Ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản

Blockchain hiện nay ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông,… Trong nông nghiệp cũng đã bắt đầu ứng dụng blockchain trong việc truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng.

Theo wikipedia thì Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ các thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và liên kết tới khối trước đó, kèm theo một mã thời gian và một mã giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ internet vạn vật (IoT) truyền thống có thể theo dõi và lưu trữ thông tin cụ thể trong tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu dùng thông qua các công nghệ như: Nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), Mạng cảm biến không dây (WSN), Mã Phản hồi nhanh (QR Code), Giao tiếp trường gần (NFC)…

Tuy nhiên, hệ thống này chưa thực sự hiệu quả, nguyên nhân chủ yếu là từ cơ chế tin cậy giữa những người tham gia trong chuỗi truy xuất nguồn gốc, quản lý thông tin, dữ liệu đầu vào an toàn và hiệu quả trong suốt vòng đời sản xuất của nông sản. Nhiều nghiên cứu cho thấy, công nghệ blockchain có thể được áp dụng để xây dựng một cơ chế minh bạch và bảo mật thông tin trong quá trình quản lý truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay công nghệ blockchain đã được ứng dụng trong nông nghiệp cụ thể là truy xuất nguồn gốc trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Blockchain hứa hẹn cải thiện truy xuất nguồn gốc và minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Blockchain có vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng nông sản, bao gồm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình (Tama và cộng sự, 2017; Kshetri, 2018), truy xuất nguồn gốc và phòng chống gian lận (Jin và cộng sự, 2017), bảo mật và xác thực an ninh mạng… (Galvez và cộng sự, 2018; Banerjee và cộng sự, 2018).

Trên thế giới, một số đế chế thực phẩm và đế chế công nghệ đã bắt tay, phát triển các nền tảng hoặc giải pháp blockchain kết hợp với các công nghệ IoT khác nhau cho ngành công nghiệp thực phẩm. Các hệ thống này đã hoặc đang có kế hoạch được sử dụng ở quy mô thí điểm để mang lại sự minh bạch trong mạng lưới chuỗi cung ứng và nâng cao sự tin tưởng của người tiêu dùng.

ntdien
Nguồn tin: Tổng hợp