Sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Các cấp Hội Nông dân (HND) TP Cần Thơ đã vận động hội viên tập trung đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với liên kết theo chuỗi sản xuất. Cùng với đó, các cấp Hội cũng vận động bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến canh tác nông nghiệp hữu cơ.

https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2020/20200219/images/4-1.gif

Đồng chí Lê Bá Phước, Chủ tịch HND TP Cần Thơ (bìa phải) trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Hợp tác xã nông nghiệp sạch Thạnh Đạt.

Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch HND TP Cần Thơ, toàn thành phố có khoảng 117.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa là 85.000ha, trồng cây ăn trái 20.000ha, còn lại là rau màu và thủy sản. Những năm trước, nông dân sản xuất thường sử dụng phân bón hóa học để tăng năng suất, sản lượng... Gần đây, trước yêu cầu của thị trường xuất khẩu về chất lượng sản phẩm, nông dân đã dịch chuyển dần sang sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp phân vô cơ. Canh tác nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mang lại nhiều lợi ích.

Tại huyện Vĩnh Thạnh, nhiều mô hình sản xuất gạo sạch đang hoạt động ngày càng hiệu quả. Ông Dương Đình Vũ, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) trồng lúa sạch My Hậu ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ là một trong những nông dân tiêu biểu. Nhiều năm qua, quy trình canh tác lúa của ông Vũ và các thành viên THT đều sử dụng phân hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học mà thay thế bằng các chế phẩm sinh học. Theo ông Vũ, quy trình canh tác trên vừa giúp giảm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe lâu dài cho nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng. Ông Vũ cho biết, đa phần bà con không mặn mà với việc canh tác này vì cho rằng năng suất lúa giảm. Mặt khác, sản phẩm hữu cơ làm ra vẫn chưa gắn với thị trường, nhiều người tiêu dùng còn "ngán" giá thành cao. Tuy nhiên, nếu canh tác đúng thì sẽ giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, năng suất không hề giảm. Để thay đổi nhận thức của một bộ phận nông dân, cũng như người tiêu dùng, rất cần sự "vào cuộc" mạnh mẽ hơn của các cấp chính quyền, các cấp Hội.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch HND huyện Vĩnh Thạnh, ngoài THT trồng lúa sạch My Hậu, trên địa bàn huyện còn nhiều điểm trồng lúa theo hướng không sử dụng thuốc hóa học, như: gạo Khang Việt (xã Thạnh Tiến), gạo sạch Thạnh Đạt (xã Thạnh Quới). Hiện nay, HND huyện khuyến khích bà con đẩy mạnh việc canh tác hữu cơ; đồng thời, hỗ trợ nông dân đăng ký nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu gạo sạch...

Huyện Cờ Đỏ có khoảng 250ha đất trồng lúa, 1.000ha cây căn trái và 70ha rau màu được canh tác theo hướng sạch, an toàn. Nhận định về khó khăn thách thức trong canh tác nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch HND huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: "Trên cây lúa, việc canh tác hữu cơ phải từ 3 năm mới phát huy hiệu quả, thấy được tác dụng cải tạo đất. Tuy nhiên, bà con không đủ kiên nhẫn nên thường chỉ làm khoảng 3 vụ là nghỉ. Bên cạnh đó, do diện tích lúa sản xuất theo hướng canh tác hữu cơ còn ít nên khó tìm đơn vị bao tiêu. Riêng trên cây ăn trái và hoa màu, sản xuất hữu cơ đang mang lại hiệu quả tích cực". Theo ông Hoàng, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng các loại phân vi sinh, hữu cơ, các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để sử dụng, các cấp HND huyện cũng phối hợp với các công ty tổ chức tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mỗi năm, Hội tổ chức trên 73 cuộc tập huấn, hội thảo với trên 3.700 lượt người tham dự.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ dù mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn đối mặt với không ít khó khăn khi nông dân còn nặng với phương thức sản xuất truyền thống. Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch HND TP Cần Thơ, trên rau màu, trong mùa vụ, nông dân kết hợp sử dụng phân hữu cơ chỉ khoảng 20%, chủ yếu trong quá trình làm đất và cải tạo đất. Đối với cây ăn trái, tỷ lệ này đạt 30-35%. "HND TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của phân hữu cơ; đồng thời kết hợp với ngành chuyên môn tổ chức các mô hình điểm. Bên cạnh đó, Hội phối hợp liên kết các đơn vị tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, vì mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững" - bà Thiên Thư nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Hồng Vân
Nguồn tin: baocantho.com.vn