KỸ THUẬT GIEO CẤY LÚA (PHẦN 2)

Tùy theo điều kiện đất đai, thời vụ, mức độ thoát nước… để chọn hình thức gieo cấy cho phù hợp. - Nếu ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt thì áp dụng sạ lan, sạ hàng; - Nếu thoát nước không triệt để thì áp dụng hình thức cấy. Sau khi làm đất trang bằng mặt ruộng xong, tiến hành đánh rãnh thoát nước và để cho lớp bùn nhão se lại rồi mới tiền hành gieo sạ. Mật độ sạ từ 80-100 kg/ha, tối đa 120 kg/ha tùy thuộc vào từng mùa vụ khác nhau có thể áp dụng biện pháp sạ lan hoặc sạ hàng.

1. Kỹ thuật sạ lan

Đây là biện pháp sạ bằng tay thông dụng, dùng tay lấy lúa từ dụng cụ mang theo để vung (gieo) đều trên ruộng và được áp dụng từ lâu đời ở đồng bằng song Cửu Long. Giống được ngâm ủ khi rễ và mầm ra dài khoảng ½ hạt lúa là có thể sạ được. Lưu ý: Chia đều lượng hạt giống theo từng phần diện tích nhỏ của ruộng. Gieo 2 lần trên 1 ô diện tích nhỏ đã được xác định lượng giống để tăng độ đồng đều. Nếu nhiều người sạ thì phải đi cùng song song với nhau và không được sạ chồng mí (chồng lối này lên lối khác).

2. Kỹ thuật sạ bằng công cụ sạ hàng: 

Sạ lúa theo hàng là gieo hạt giống bằng dụng cụ đã thiết kế sẵn các hàng lỗ, khi kéo dụng cụ đi thì lúa giống rơi qua những dãy lỗ xuống mặt ruộng thành các hàng riêng biệt song song nhau, lúa sẽ mọc lên thành hàng.

Mật độ sạ hàng được điều chỉnh bởi các vòng cao su che các dãy lỗ của trống chứa lúa trên dụng cụ sạ hàng. Có thể điều chỉnh vòng cao su để gieo lượng hạt lúa giống xấp xỉ ở 3 mức: 50-75-100 kg/ha. Hàng cách hàng và lượng hạt rơi ra trên hàng tùy thuộc vào lượng lúa giống để sạ. Khoảng cách giữa các hàng của các giống lúa thường trồng trong sản xuất là 20 cm.

Dụng cụ sạ hàng là công cụ có những trống để đổ lúa giống, các trống này nằm trên một trục và được gắn với tay cầm để kéo, khi kéo dụng cụ sạ hàng đi, lúa giống ở trong trống rơi xuống ruộng thành từng hàng.

Lượng lúa giống cho vào trống sạ: Không nên đổ đầy trống, lúc kéo hạt lúa không rơi ra được. Chỉ đổ lúa khoảng hai phân ba của trống sạ, trong quá trình di chuyển trên mặt ruộng, bánh xe lăn làm cho các trống của máy gieo lăn theo đồng bộ, hạt lúa giống trong trống bị xáo trộn sẽ theo các lỗ mở thoát ra ngoài rơi tự do xuống mặt ruộng thành hàng. 

Ưu điểm và nhược điêm của kỹ thuật sạ hàng bằng công cụ sạ hàng:

Ưu điểm: Giảm được lượng giống sạ (40-60% so với sạ lan), giảm phân bón do mật độ thưa hơn, dễ chăm sóc, cây lúa cứng cáp nên đỡ đổ ngã, áp lực sâu bệnh giảm.

Nhược điểm: Tăng chi phí sạ, yêu cầu kỹ thuật làm đất phải kỹ với mặt bằng phải tốt, kỹ thuật ngâm ủ giống khắt khe hơn, nếu mầm mạ dài quá thì lượng hạt xuống ít, nếu ngắn quá thì sẽ xuống nhiều, trước khi sạ phải giữ khô hạt giống

Quá trình thực hiện kỹ thuật sạ bằng công cụ sạ hàng như sau: Đầu tiên chuẩn bị công cụ sạ, tiếp theo cho lượng lúa giống vào từng trống, đậy kín nắp trống. Sau đó tiến hành kéo xuống ruộng sạ. Có 2 cách để sử dụng dụng cụ sạ: Thứ nhất, Dụng cụ sạ hàng gắn vào đầu máy cày, máy kéo. Khi diện tích ruộng đủ lớn, thì có thể chạy bằng máy, năng suất sạ rất cao. Hoặc gắn vào động cơ, sẽ thay được sức kéo của con người. Thứ hai là trực tiếp kéo dụng cụ sạ hàng bằng tay, Kéo hàng đầu tiên cần đi theo bờ ruộng hay theo sợi dây làm chuẩn để kéo dụng cụ đi cho thẳng hàng. Tiếp tục kéo dụng cụ sạ hàng các đợt sau song song với các đợt kéo trước. Nên để vết bánh xe của dụng cụ sạ hàng đợt kế tiếp trùng lên vết bánh xe của dụng cụ sạ hàng đợt trước đó để đảm bảo khoảng cách giữa hai dụng cụ sạ hàng. Cứ kéo tiếp tục như vậy cho đến hết ruộng. Nếu được nên kéo theo hướng Bắc-Nam để tăng khả năng quang hợp của cây lúa.

3. Kỹ thuật sạ bằng máy

Trước tình hình xuống giống tập trung, đồng loạt như hiện nay thì việc áp dụng máy phun hạt vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân giảm được công lao động, rút ngắn thời gian sạ trong một cánh đồng, giải quyết tình trạng thiếu nhân công, từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Trung bình mỗi ngày một máy có thể phun sạ giống được 4 ha, do vậy đã rút ngắn được thời gian, tiết kiệm được ngày công lao động, lúa sạ bằng máy đều hơn sạ tay nên nông dân giảm được công giặm, lúa dễ chăm sóc và phát triển rất tốt.

Ưu điểm của máy phun hạt giống lúa:

- Khi dùng máy phun hạt lúa giống làm giảm lượng lúa giống tới 40% (tức chỉ còn 80kg/ha) so với khi sạ lúa bằng tay hoặc bằng các phương pháp gieo sạ lúa khác. Theo đó chi phí nhân công đi giặm lại cũng giảm, lượng phân bón, các hóa chất phun cho đồng ruộng cũng giảm, sâu bệnh hại được kiểm soát dễ dàng hơn.

- Đối với những cánh đồng lúa chứa nhiều phèn chua, trước khi gieo sạ có thể dùng Máy phun hạt lúa giống để phun vôi bột cho ruộng lúa.

- Trong quá trình chăm sóc lúa, hoàn toàn có thể dùng Máy phun sạ hạt lúa để phun thuốc sâu, phun các loại hóa chất cho cây lúa.

- Máy phun sạ hạt lúa hoàn toàn có thể dùng để phun phân bón hóa học dạng hạt như: phân NPK, Lân, đạm, kali đều rất đều hạt

Tuy nhiên, phương pháp này có một số nhược điểm như sau:

- Chi phí đầu tư ban đầu cao.

- Người sử dụng công cụ phải đào tạo về chuyên môn sử dụng máy.

- Yêu cầu mặt ruộng cần phải bằng phẳng để khả năng phun hạt giống đều và hiệu quả nhất.

- Kỹ thuật ngâm ủ giống khắt khe hơn.

4. Kỹ thuật cấy

Cấy lúa là lấy cây mạ cắm (đặt) xuống ruộng đã được chuẩn bị sẵn sao cho gốc và rễ mạ được vùi vào trong đất bùn của ruộng để cây mạ đứng vững và bén rễ, hồi xanh, rồi sinh trưởng, phát triển cho đến khi thu hoạch. Cấy lúa, dùng tay nghịch cầm nắm mạ, tay thuận lấy mạ từ nắm mạ ở tay nghịch để cấy xuống ruộng.

Các cách cấy lúa:

- Cấy ngửa tay: Hai bàn tay của người đi cấy đều để ngửa, tay nghịch cầm nắm mạ, dùng ngón cái và ngón trỏ của tay thuận lấy cây mạ cấy (cắm, đặt) xuống ruộng.

- Cấy úp tay: Dùng hai ngón tay cái và trỏ của tay nghịch cầm nắm mạ đẩy từng cây mạ (gọi là ra mạ). Hai ngón cái và trỏ của tay thuận đỡ lấy cây mạ đó. Sau khi tay thuận đã đỡ được cây mạ, quay úp lòng bàn tay xuống đất để cấy cây mạ xuống ruộng. Khi cấy cây mạ xuống đất, hai ngón tay cái và trỏ cầm sát gốc cây mạ, 3 ngón tay còn lại của bàn tay thuận co lên để giữ cây mạ. Khi cấy cây mạ xuống, 3 ngón tay còn lại của bàn tay thuận co lên để giữ cây mạ thì lúc này có tác dụng vun đất để giữ cho cây mạ đứng thẳng.

5. Kỹ thuật làm mạ khay cấy máy:

- Lượng hạt giống chuẩn bị cho 1000 m2: Lúa lai 3 kg, lúa thuần 4-6 kg tùy thuộc vào giống.

- Chuẩn bị khay và giá thể: Có thể sử dụng đất bột hoặc bùn để làm giá thể gieo mạ khay.

+ Giá thể bằng đất bột:

Đất bột 1 m3 + 0,5 m3 mụn dừa + 10 kg super lân + 1,6 kg ure + 1,6 kg kali; trộn đều. Lượng giá thể trên gieo cho 200 khay mạ (cấy khoảng 1 ha).

Kỹ thuật gieo: Cho lượng giá thể đã chuẩn bị sẵn vào khay, gạt phẳng với độ dày 1,5-2 cm. Xếp các khay thành hàng trên mặt sân, tưới thật đẫm nước rồi tiến hành gieo hạt. Chú ý gieo dày, gieo đi gieo lại cho đều và gieo cả mép khay. Gieo xong tưới nước lại một lần nữa rồi phủ kín hạt bằng lớp đất bột. Gieo xong có thể chồng các khay lên nhau. Khi mạ mũi chông thì rải các khay ra nền phẳng và chăm sóc như mạ nền đất cứng thông thường.

+ Giá thể gieo bằng bùn (gieo cho 8-9 khay mạ): Đất bùn sạch 10 xô (10 lít) + mụn dừa 2-3 xô (10 lít) + 0,3 kg lân trộn đều + một ít đất bột hoặc tro trấuđể phủ mặt.

Cách gieo: Cho bùn vào khay, độ dày bùn là 2 cm. Chú ý không làm bùn quá lỏng khi gieo sẽ bị chìm mộng mạ và sau này khi bùn khô sẽ co lại, độ dầy đất bùn không đảm bảo cho việc cấy máy. Khi gieo cần đảm bảo cho hạt gieo đều các mép khay, gieo xong phủ kín hạt bằng tro trấu rồi lại chồng các khay lên nhau.

Yêu cầu của mạ khay cấy máy: Mạ đạt 2,5-3 lá thật, chiều cao cây từ 10-20 cm, cứng cây, đanh dảnh, sạch sâu bệnh là có thể đưa ra ruộng cho cấy máy. Trong quá trình vận chuyển có thể cuộn khay mạ lại để dễ dàng vận chuyển.

Ưu và nhược điểm của cấy bằng máy:

Ưu điểm: Đỡ tốn nhân công, giảm được lượng giống, công suất cấy cao có thể đáp ứng được về thời gian trên diện rộng, đảm bảo mật độ và độ sâu cây mạ cấy đồng đều nhau và có thể điều chỉnh được độ sâu khi cấy theo ý muốn.

Nhược điểm: Chi phí mua máy cao, yêu cầu mặt bằng đồng ruộng phải tốt, chủ động nước, yêu cầu kỹ thuật làm mạ phải khắt khe hơn.

Thiện Ngọc