Dây chuyền chế biến gạo như thế nào để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng?

Việt Nam là một trong những nước sản xuất gạo lớn tại khu vực Đông Nam Á. Với lượng lúa sản xuất ra chúng ta không chỉ đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác. Vậy để sản phẩm gạo đủ chất lượng để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới thì dây chuyền chế biến gạo nên được đầu tư.

Lúa sau khi được thu hoạch sẽ được kiểm duyệt về chất lượng và vận hành về các nhà máy chế biến. Bài viết sẽ giới thiệu các công đoạn chính trong dây chuyền chế biến gạo mà một số doanh nghiệp đã áp dụng để tạo ra sản phẩm gạo đạt chất lượng. 

Công đoạn làm sạch và phân loại

Công đoạn làm sạch sẽ được thực hiện trong máy loại tạp chất. Các vật là tạp chất được loại bỏ để bảo vệ các chi tiết máy xay xát, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Các tạp chất có thể là các cọng rơm, hạt thóc kép, đất đá nhiều khi lẫn các mảnh kim loại.

Công đoạn bóc vỏ hạt (xay xát)

Xay xát được xem là khâu cơ bản trong dây chuyền chế biến gạo. Nó có mục đích tách vỏ ra khỏi phôi hạt nhằm tăng chất lượng cho sản phẩm tạo điều kiện cho các chế biến công đoạn sau. Sau khi xay xát sẽ tạo ra hỗn hợp gồm nhân gạo, vỏ và hạt thóc chưa xay hết.

Các thiết bị xay hoạt động đều theo nguyên lý lực cơ học tác động vào vật liệu. Dưới tác dụng đồng thời hoặc riêng lẻ các lực như va đập, ma sát và dịch trượt, sẽ phá vỡ liên kết giữa nhân với vỏ.

Công đoạn phân chia hỗn hợp sau bóc vỏ

Trong quá trình xay xát sẽ tạo ra hỗn hợp gồm nhân gạo, vỏ trấu, hạt thóc chưa xay và bột cám. Chính vì vậy, sau xay xát phải tiến hành phân chia ra để tạo điều kiện thuận lợi cho các công đoạn sau.

Quá trình phân chia sẽ diễn ra theo công đoạn sau:

-Tách hạt non và gãy.

-Tách trấu.

-Phân chia hỗn hợp gạo và thóc.

Quy định sau khi phân chia:

-Tỷ lệ thóc < 1%.

-Tỷ lệ trấu < 0.03%.

Công đoạn xát trắng gạo

Sau khi được phân chia hạt gạo lật sẽ được trải qua công đoạn xát trắng. Đây là bước cần thiết để loại bỏ lớp vỏ của gạo. Bời vì, lớp vỏ gạo chứa một lượng lớn cellulose (0,8 -1%) nó gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của con người, giảm hiệu quả của quá trình thủy phân tinh bột trong cơm.

Hiện nay, phương pháp cơ học dùng xát trắng gạo là sử dụng phổ biến nhất. Quá trình xát dưới tác dụng lực ma sát của trục, gạo và thành bầu xát lớp vỏ hạt được tách ra. Các máy xát thường có kết cấu theo kiểu các rulo, được đặt nằm dọc hoặc nằm ngang.

Công đoạn xoa bóng gạo

Xoa bóng gạo nhằm làm nhẵn mặt ngoài của hạt gạo, loại đi những vảy cám còn dính ở bên ngoài. Quá trình này sẽ giúp quá trình bảo quản gạo được tốt hơn.

Sau khi đã có gạo thành phẩm với chất lượng tốt nhất sẽ được đóng gói và vận chuyển đi tiêu thụ. Tùy theo khả năng của mỗi doanh nghiệp mà họ có thể sẽ có đủ các thiết bị, máy móc, công nghệ để chế biến gạo hoặc có thể thuê gia công bởi các nhà máy chế biến khác. Dù bằng cách nào nào thì mục đích của các nhà nông nông hay các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu này đều mong muốn đạt được là tạo ra sản phẩm gạo an toàn, chất lượng, giá cả phải chăng cho các gia đình.

Hiện nay, nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp và một số cơ quan quản lý của Nhà nước đã và đang đầu tư, nghiên cứu cải tiến dây chuyền chế biến gạo để nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm đầu ra. Các dây chuyền và thiết bị ngày càng được hiện đại hóa, tự động hóa, với mục đích cuối cùng là tiết kiệm chi phí, đồng thời tạo ra được sản phẩm đẹp, an toàn, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

ntptuong