TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG DỰ ÁN “KHỞI TẠO MÔI TRƯỜNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ” DO WIPO TÀI TRỢ

Ngày 25/9/2017, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khai mạc Hội nghị phỏng vấn các viện nghiên cứu/trường đại học để lựa chọn các đơn vị tham gia dự án “Khởi tạo Môi trường Sở hữu trí tuệ” và Khóa đào tạo nâng cao “Chuyển giao công nghệ thành công” (STL) cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.

Tham dự Lễ khai mạc có ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT. Đoàn chuyên gia của WIPO bao gồm bà Olga Spasic, tham tán, Văn phòng hỗ trợ Khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ phận các nước đang phát triển và chuyển tiếp, WIPO; ông John Orcutt, Giáo sư Luật, Đại học Luật New Hampshire, Hoa Kỳ; ông Andre Pascal Chauvin, Chủ tịch AVALUE IP, Paris; ông Richard Cahoon, Chủ tịch BioProperty Strategy Group Inc., Phó Giáo sư, Chương trình quốc tế, Đại học Cornell, Hoa Kỳ; ông Veloo Varatharajan, Văn phòng Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, Bộ phận Phát triển, WIPO; bà Yumiko Hamano, Tư vấn và Đối tác Sở hữu Trí tuệ, ET Cube International, Echenevex, Pháp. Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hội sáng chế, một số đại diện sở hữu công nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí.

Ảnh 1. Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, cho đến thời điểm này, Cục SHTT đã kết nối được mạng lưới gồm 30 trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ (Technology and Innovation Support Centers – TISC) trong các trường đại học/viện nghiên cứu. Trong giai đoạn tới, Cục SHTT sẽ tập trung nguồn lực để Mạng lưới TISC nêu trên vận hành ổn định, giúp cho các trường đại học/viện nghiên cứu tăng cường năng lực nội tại trong việc xác lập quyền SHTT và Chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chú trọng vào việc tăng số lượng sáng chế của Việt Nam. Số lượng sáng chế này cũng là một chỉ tiêu xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) cần được cải thiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP. 

Ảnh 2. Cục trưởng Cục SHTT phát biểu khai mạc

Tại Hội nghị, bà Olga Spasic, tham tán, Văn phòng hỗ trợ Khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ phận các nước đang phát triển và chuyển tiếp, WIPO, khẳng định Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong năm vừa qua tăng 12 bậc đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là lĩnh vực SHTT của Việt Nam đã đi đúng hướng với đề xuất, khuyến nghị của WIPO. Dự án của WIPO đã, đang và sẽ triển khai tại Việt Nam sẽ hỗ trợ cho quá trình tạo lập tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho những công nghệ có giá trị được đi vào cuộc sống, trở thành tài sản trí tuệ đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Ảnh 3. Toàn cảnh Hội nghị

Trong Chương trình công tác 2017, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia.  Chiến lược này xác định các mục tiêu và giải pháp cụ thể để nâng tầm của hệ thống SHTT với cơ chế bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích hoạt động sáng tạo, đổi mới, thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển giao và phổ biến thành quả sáng tạo, nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy vai trò làm công cụ phát triển kinh tế-xã hội của hệ thống SHTT trong việc xây dựng nền kinh tế tri thức. 

Dự án của WIPO sẽ góp phần đạt được mục tiêu chiến lược của hệ thống SHTT Việt Nam, cụ thể là phát triển tài sản trí tuệ và thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ công nghệ. Hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới, nhờ sự hỗ trợ của WIPO và vận hành hiệu quả của mô hình “Trục xoay và Nan hoa”, sẽ có nhiều công nghệ có giá trị của Việt Nam được chuyển giao ở trong nước cũng như ra quốc tế./.

 

Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sáng tạo, quản lý và thương mại hóa công nghệ của các nước đang phát triển và kém phát triển đã được triển khai tại một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Phillipin, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ. Tại Việt Nam, Dự án sẽ triển khai trong 5 năm, từ 2018 đến 2022.

Trong tháng 3/2017, bên lề chuyến thăm của Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry tới Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội thảo về Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tại trường đại học và viện nghiên cứu thông qua mô hình “Trục xoay và Nan hoa” và một chuỗi các sự kiện có liên quan, trong đó có hoạt động phỏng vấn sơ bộ các trường đại học, viện nghiên cứu khu vực phía Bắc.

Tiếp theo các hoạt động nêu trên, từ 25-29/9/2017, Cục SHTT tiếp tục phối hợp với WIPO tổ chức Hội nghị phỏng vấn các viện nghiên cứu/trường đại học tại TP Hồ Chí Minh (25-26/9/2017) và tại Hà Nội (28-29/9/2017) để lựa chọn các đơn vị tham gia Dự án. Trong Hội nghị lần này, đoàn chuyên gia WIPO sẽ giới thiệu phương pháp luận của mô hình “Trục xoay và Nan hoa” (HUB and SPOKE) và chính thức lựa chọn các đơn vị tham gia Dự án. Các đơn vị được lựa chọn tham gia Dự án sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ WIPO và Cục SHTT để phát triển tài sản trí tuệ đối với công nghệ mà mình tạo ra.

Đồng thời, trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án, từ 25-29/9/2017, Cục SHTT phối hợp với WIPO, với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Tín thác AUSTRALIA,  tổ chức Khóa đào tạo nâng cao “Chuyển giao công nghệ thành công” (STL) cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Khóa đào tạo bao gồm rất nhiều nội dung phong phú, đem lại cho học viên các kiến thức, kỹ năng về đàm phán và soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ, định giá tài sản trí tuệ, xây dựng chính sách về chuyển giao công nghệ.

Phòng Thông tin
Nguồn tin: http://noip.gov.vn