TỌA ĐÀM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG ĐẠI DIỆN SHCN

Trong khuôn khổ Tháng hành động “Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để phát triển kinh tế - xã hội” chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, ngày 21/4/2016 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp”. Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh, Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Lãnh đạo Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đại diện một số đơn vị thuộc Cục Sở hữu trí tuệ và hơn 90 đại biểu đến từ Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và các tổ chức dịch vụ đại diện SHCN trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh vai trò sở hữu trí tuệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các nước, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đi kèm không ít những thách thức. Cục Sở hữu trí tuệ nhận thức rõ cần phải tự thay đổi để hoàn thiện hơn cả về con người và cơ sở vật chất, bên cạnh đó cũng rất cần sự phối hợp tích cực từ các tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng nhu cầu về xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng của xã hội.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Mai Hà, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đánh giá cao việc phối hợp tổ chức Tọa đàm giữa Cục Sở hữu trí tuệ với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại thời điểm rất có ý nghĩa này. Hệ thống sở hữu trí tuệ trong nước đòi hỏi sự phát triển của mỗi cơ quan trong cả hệ thống, đồng thời cũng phải sẵn sàng đón nhận những thách thức trong xu thế hội nhập hiện nay. Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam hy vọng thời gian tới cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Cục với Hội và với các Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để chung tay xây dựng và vận hành hệ thống sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Phát biểu dẫn đề, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nêu lên một số nội dung có tính định hướng sự phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong giai đoạn tới, đó là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới ký kết gần đây, nhất là TPP, trong đó có các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về thời gian xử lý đơn, thời hạn bảo hộ, chế tài xử lý mạnh đối với những hành vi xâm phạm quyền SHTT. Để thực hiện những cam kết đó, Việt Nam cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để gia nhập hoặc phê chuẩn một số điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ như Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS… Cục Sở hữu trí tuệ cần phải nâng cấp, thay thế hệ thống công nghệ thông tin đã quá cũ, không còn đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.

Nếu như Tọa đàm về hoạt động đại diện SHCN được tổ chức vào tháng 7 năm 2015 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thì Tọa đàm năm nay tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn và bất cập trong hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp, cả về quy định pháp luật, về cơ chế cũng như thực tiễn hoạt động, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục. Các báo cáo viên là những người có kinh nghiệm đến từ các tổ chức đại diện SHCN đã trình bày nội dung liên quan đến các vấn đề khó khăn mà các tổ chức đại diện SHCN thường xuyên gặp phải trong thời gian gần đây và đi kèm là những giải pháp được đề xuất, bao gồm: Hướng giải quyết hiện tượng các tổ chức hành nghề luật sư không được ghi nhận là tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN nhưng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN (VP Luật sư Phạm và Liên danh); Các giải pháp nhằm xử lý hiện tượng mạo danh cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ và mạo danh Tổ chức đại diện SHCN (Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp INVESTIP); Hướng giải quyết những bất cập trong việc xóa tên Tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN (Công ty Luật TNHH A.M.B.Y.S Hà Nội); Sự cần thiết và những thuận lợi, khó khăn của việc thành lập văn phòng đại diện của tổ chức đại diện SHCN, kể cả ở nước ngoài (Công ty TNHH Tư vấn Aliatlegal).

Phát biểu kết thúc, ông Lê Ngọc Lâm đánh giá cao kết quả của Tọa đàm. Trên cơ sở các bài trình bày và đề nghị của các đại biểu tham dự, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và sẵn sàng phối hợp cùng các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp trong điều kiện cho phép để chia sẻ những khó khăn mà các tổ chức gặp phải trong quá trình hoạt động, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay.

Một số hình ảnh của Tọa đàm

Ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục SHTT phát biểu khai mạc Tọa đàm

Ông Mai Hà - Phó Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu tại Tọa đàm

Ông Phạm Vũ Khánh Toàn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh trình bày tham luận tại Tọa đàm

Ông Tăng Đức Khương - đại diện Công ty CP SHCN INVESTIP trình bày tham luận tại Tọa đàm

Bà Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Công ty Luật TNHH A.M.B.Y.S Hà Nội trình bày tham luận tại Tọa đàm

Đại biểu tham dự Tọa đàm

Phòng Quản lý và Phát triển hoạt động sáng tạo
Nguồn tin: noip.gov.vn