Sự kiện cộng đồng chào mừng kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2016 tại Việt Nam

Sáng 23/4/2016, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (VCE) và Đoàn trường Đại học Ngoại thương tổ chức chương trình kỷ niệm “Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2016 tại Việt Nam”.

 Năm 2016, WIPO chọn lĩnh vực Digital (công nghệ số) là chủ đề của “IP Day” để kêu gọi hành động với khẩu hiệu “Digital Creativity: Culture Reimagined” (Sáng tạo số: Tái hiện văn hóa). Sự kiện “Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2016 tại Việt Nam” bao gồm các hoạt động chính là “Triển lãm Sáng tạo số”, “Tọa đàm về Sở hữu trí tuệ, Sáng tạo số và Khởi nghiệp” và chương trình biểu diễn âm nhạc điện tử.

     Tham gia sự kiện có lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Thông tin truyền thông, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam, đại diện một số bộ ngành liên quan cùng khoảng 1000 người, bao gồm sinh viên, cán bộ thanh niên một số bộ ngành liên quan trực tiếp tới sở hữu trí tuệ và các doanh nhân hoạt động, kinh doanh trong các ngành công nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, sự kiện năm nay có sự hiện diện của ông Juneho Jang, Trưởng phòng các giải pháp vận hành Cơ quan Sở hữu trí tuệ (Head IP Office Busines Solutions Division), đại diện Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

     Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh đã bày tỏ sự tự hào khi tham dự sự kiện mang ý nghĩa xã hội to lớn này, truyền đi thông điệp tạo niềm cảm hứng cho các hoạt động sáng tạo nhằm mục đích phát triển bền vững. Một dấu hiệu đáng mừng là sự kiện nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đông đảo của rất nhiều các tổ chức, cá nhân, điều này cho thấy sở hữu trí tuệ đang ngày càng nhận được sự quan tâm to lớn của xã hội. Ông cũng nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh và cần quan tâm hơn nữa đến sở hữu trí tuệ, coi sở hữu trí tuệ là một loại tài sản, công cụ quan trọng để phát triển doanh nghiệp. Đó là xu hướng phát triển tất yếu, có tính bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

     Ông Juneho Jang, Trưởng phòng các giải pháp vận hành Cơ quan Sở hữu trí tuệ, đại diện Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã đánh giá cao sự cố gắng của Việt Nam trong việc tổ chức sự kiện mang tính cộng đồng cao và chúc mừng sự thành công của sự kiện. Ông cho rằng sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt trong sự thành công và bền vững của sáng tạo số. Nhu cầu một môi trường số đầy đủ và hiệu quả sẽ hỗ trợ các hoạt động quan trọng của quản lý sở hữu trí tuệ và đảm bảo cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ tiến xa hơn.

Ông Juneho Jang, đại diện Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) phát biểu tại sự kiện

 Tiếp nối thành công của sự kiện “Đi bộ bằng đầu” (Walk A-head) của chương trình năm 2015, năm nay Ban tổ chức dùng hình tượng “IP Man” (Intellectual Property Man) để kêu gọi cộng đồng xã hội cùng hành động bảo vệ các quyền và tài sản sở hữu trí tuệ cũng như cổ vũ mạnh mẽ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thông điệp của ý tưởng này là: Ai cũng có thể trở thành IP Man. Chỉ cần chúng ta ý thức được đầy đủ về giá trị bản thân mình, khát khao sáng tạo đổi mới không ngừng, tôn trọng tài sản trí tuệ của người khác và đấu tranh bảo vệ những giá trị tốt đẹp của đổi mới sáng tạo. Mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia đều cần những đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển. Một trong những công cụ hữu hiệu cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo chính là: Sở hữu trí tuệ.

     Hưởng ứng thông điệp truyền thông này, nhiều chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý, nhà khoa học đã trở thành “IP Man”, “IP Lady” như ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ; bà Phan Thị Thùy Trâm, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức doanh nhân; ông Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, Giám đốc Đại học trực tuyến FUNiX; ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, chuyên gia chiến lược, sáng lập và chủ tịch HGroup; Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo, Chủ tịch và Tổng giám đốc LeGroup; ông Vũ Duy Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Nguyễn Văn Quy, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội; bà Lê Thị Thu Hà, giảng viên Sở hữu trí tuệ, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương, v.v..

     Bên cạnh đó, tại sự kiện còn có một số hoạt động khác liên quan đến chủ đề “Sáng tạo số” như: “Triển lãm thách thức sáng tạo số”; bài hát Rap về chủ đề Sở hữu trí tuệ do nhóm Dalab và báo điện tử Vietnam Plus sản xuất; Tọa đàm nhanh "Sáng tạo số và khởi nghiệp trong mối liên hệ với IP" với các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực sáng tạo số. Ngoài ra, sự kiện cũng thu hút được sự tham gia hỗ trợ của ban nhạc Marius Lady Band và nghệ sỹ trẻ Trần Trung Đức đến giao lưu và chia sẻ về vai trò của IP với hoạt động đổi mới sáng tạo.

Các chuyên gia tham dự Tọa đàm “Sáng tạo số và khởi nghiệp trong mối liên hệ với IP" (Từ trái qua: Ông Vũ Trung Hiệp, Ông Tuấn Hà, Bà Lê Thị Thu Hà, Ông Lê Quốc Vinh và Ông Nguyễn Thành Nam)

Màn xếp hình ấn tượng của các thành viên tham gia sự kiện

Ban tổ chức và các thành viên tham gia sự kiện

 

 

Phòng Thông tin - Đoàn Thanh niên Cục SHTT
Nguồn tin: noip.gov.vn