Sẽ tăng xử lý dân sự với vi phạm sở hữu trí tuệ

Số lượng các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn đang ở mức cao, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng nặng mức xử phạt để xử lý tận gốc thời gian tới.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học công nghệ. Ảnh: Việt Anh

 

"Bản chất quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự, việc đưa về áp dụng các biện pháp xử lý dân sự là đúng nhất, trong tương lai cần thực hiện việc này", ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ nói. Ông Dũng phát biểu bên lề Tọa đàm về Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4.

Theo ông Dũng, luật hiện nay cho phép sử dụng các biện pháp hành chính để xử lý các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ. Việc này trước mắt đạt được mục đích là ngăn chặn kịp thời các vi phạm, mức phạt cũng đủ sức răn đe. Tuy nhiên, thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập đầy đủ với thế giới, lực lượng chuyên trách phát triển, có tòa chuyên trách thì không thể tiếp tục dùng ngân sách để thực hiện các biện pháp hành chính được nữa. Khi đó các bên có tranh chấp cần tự chứng minh lý lẽ của mình trước tòa để yêu cầu bồi thường.

Ông Dũng cho rằng khi hội nhập thì Việt Nam phải chấp nhận xử lý mạnh với các hàng hóa vi phạm để thực sự phát triển, chứ không phải như tư tưởng trước đây là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ giúp bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo.

Chánh thanh tra Bộ KHCN cho hay việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gần đây vẫn "rất nhiều và đa dạng", cụ thể là xâm phạm sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, tên thương mại, tên miền, cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến chỉ dẫn thương mại. "Hoạt động vi phạm ngày càng tinh vi và khó phát hiện", ông Dũng nói.

Lực lượng thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ năm ngoái thực hiện kiểm tra hơn 18.200 vụ, phát hiện gần 17.600 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền phạt thu được là hơn 61 tỷ đồng. Các con số này đều tăng so với năm trước đó.

Ông Trần Đức Viện, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an, thừa nhận việc xử lý các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang gặp khó khăn do các quy định không rõ ràng. Bộ luật Hình sự chưa quy định thế nào là hàng giả, quy định về số lượng lớn, gây hậu quả nghiệm trọng còn chung chung. Bên cạnh đó không có quy định có yếu tố gì thì chuyển sang xử lý hình sự, chẳng hạn vi phạm 10 tỷ đồng vẫn xử lý vi phạm hành chính. "Chúng tôi đề nghị cần có các văn bản thực thi rõ ràng", ông Viện nói.

Việt Anh
Nguồn tin: vnexpress.net