Nâng cao hiểu biết về Sở hữu trí tuệ cùng Tọa đàm "Bản quyền: Sự im lặng nhức nhối"

(SHTT) - Với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong sinh viên, CLB Sở hữu trí tuệ trường ĐH Ngoại Thương đã tổ chức Tọa đàm "Bản quyền: Sự im lặng nhức nhối" tại Hội trường D201 - trường Đại học Ngoại Thương vào tối ngày 25/1/2018.

Thực trạng hiện nay, rất nhiều hành vi vi phạm bản quyền diễn ra tuy nhiên mọi người vẫn chưa nhận thức những hành vi đó có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không và mức độ nghiêm trọng của những vi phạm đó. Với sứ mệnh nâng cao nhận thức của sinh viên cũng như cộng đồng về sở hữu trí tuệ, CLB Sở hữu trí tuệ của trường Đại học Ngoại thương tổ chức tọa đàm "Bản quyền: Sự im lặng nhức nhối".

Mở đầu buổi tọa đàm là phần tranh biện đầy kịch tính giữa đội BKD, CLB Tranh biện trường ĐH Bách Khoa và đội DES, CLB Tranh biện trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Với chủ đề tranh luận là "Các quốc gia đang phát triển nên ngưng việc chống vi phạm bản quyền", đội BKD đã ủng hộ quan điểm trên với những lập luận sắc bén trong khi đội DES lại phản đối quan điểm trên với những lập luận thuyết phục.

Có mặt tại buổi tọa đàm, 2 diễn giả là anh Nguyễn Trọng Tú, luật sư của công ty Luật TNHH Rouse Legal Việt Nam và anh Nguyễn Hà Quân, trưởng phòng MarCom và sáng tạo của công ty An Sinh đã đánh giá cao và dành nhiều lời khen cho 2 đội tranh biện. Đây đều là những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Luật Sở hữu trí tuệ.

Sau phần thi này là những lời chia sẻ đầy trải nghiệm của những diễn giả về các vấn đề như vi phạm bản quyền trong lĩnh vực nghệ thuật, vi phạm bản quyền trong sinh viên.

Các chuyên gia cho biết sở hữu trí tuệ ra đời nhằm mục đích cân bằng và bảo vệ lợi ích giữa cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, khi sự cân bằng đó mất đi thì vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện.

Ở Việt Nam, bản quyền nói riêng cũng như sở hữu trí tuệ nói chung chưa thực sự được quan tâm mặc dù đã có tin tức, sự kiện đưa tin về vấn đề này. Phần lớn người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của bản quyền nên hàng loạt các vụ vi phạm vẫn xảy ra.

Điển hình như vụ livestream phim Cô ba Sài Gòn ngay trong rạp; hay các quán karaoke kinh doanh dịch vụ mà không trả tiền bản quyền các bài hát, video; gần gũi hơn với sinh viên là việc sử dụng giáo trình photo mà chưa được sự đồng ý của tác giả,... Các vụ kiện như trên hầu như đều do nhận thức của người dân chưa cao hoặc biết nhưng cố tình vi phạm.

Nghệ thuật vốn là một lĩnh vực nhạy cảm và những chuyện tranh chấp hay vi phạm bản quyền rất dễ xảy ra đặc biệt là với những người nổi tiếng. Từ trước đến nay, các nghệ sĩ hay có thói quen lấy bài hát, lấy nhạc mà không xin phép; nhưng trong thời kì hội nhập thì điều này không thể chấp nhận. Vẫn còn một số người nổi tiếng vẫn duy trì thói quen đó nên đã gây ra nhiều vụ lùm xùm.

Trong cuộc sống hàng ngày, một câu chuyện đang xuất hiện tại Việt Nam đó là hàng loạt các trang web phim, web ti vi đưa các chương trình lên mạng Internet để cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, họ lại không để ý những hành động như vậy đã khiến các hoạt động kinh doanh phim ảnh tổn thất hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng hay trường hợp các quán cung cấp dịch vụ hát karaoke không trả tiền bản quyền cho các nghệ sĩ dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đồng.

Nhìn vào sự thật ở Việt Nam, cách quản lý và kiểm soát còn lỏng lẻo và khó thực thi. Các chuyên gia cũng cho biết rằng rất nhiều nước đã áp dụng hiệu quả các biện pháp xử lí nhằm răn đe cũng như nâng cao nhận thức của mọi người nên luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng cần có sức răn đe hơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra những chia sẻ ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong sinh viên. Một thực tế hiện nay, đó là các sinh viên luôn mong muốn tiết kiệm được chi phí, càng tốn ít tiền càng tốt. Chính vì vậy, các bạn sinh viên sẽ sử dụng những cách khác nhau để đạt được mục đích đó. Ví dụ, thay vì mua sách giáo trình gốc thì sinh viên lại sử dụng sách photo để tiết kiệm chi phí, hay sử dụng các bản phần mềm lậu để sử dụng phục vụ cho mục đích học tập và nghiên cứu.

Photo giáo trình, dùng phần mềm lậu, xem phim "chùa" đều là những hành vi nhỏ nhưng lại xảy ra thường xuyên và diễn ra ở nhiều nơi. Vì vậy các chuyên gia cho biết các biện pháp đưa ra cần triệt để và cương quyết hơn nhằm nâng cao nhận thức của mọi người.

Phần cuối tọa đàm là những câu hỏi do sinh viên đặt ra và được các diễn giả giải đáp cụ thể.

Có thể thấy, qua buổi tọa đàm, các sinh viên đã biết cách giảm thiểu tối đa những vi phạm sở hữu trí tuệ của bản thân, lan tỏa điều đó đến cộng đồng và những người xung quanh.

Buổi tọa đàm cũng đã xây dựng được ý thức ở sinh viên về việc bảo vệ quyền sở hữu ngay từ trong cuộc sống thường nhật sẽ là tiền đề để các bạn hình thành ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với chính những sáng tạo, doanh nghiệp của mình sau này.

http://sohuutritue.gov.vn(ltnanh)