Sản xuất thử và phát triển giống chuối Tiêu hồng theo hướng VietGAP cho vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ

Cây chuối là loại cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Ở Việt Nam, chuối là cây ăn quả chủ lực có quy mô sản xuất lớn. Trong những năm gần đây, quy mô sản xuất chuối có xu hướng tăng với tổng diện tích trồng chuối là 105-110 nghìn ha và tổng sản lượng chuối hàng năm đạt 1,4 - 1,6 triệu tấn. Các giống thuộc nhóm chuối tiêu được tiêu thụ với khối lượng lớn ở cả thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, năng suất chuối trung bình của cả nước mới chỉ đạt 16,4 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân chính là do sản xuất chuối ở nhiều vùng còn theo lối quảng canh, đầu tư không thỏa đáng và chưa chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất tiến bộ.

Sản xuất chuối nói chung và chuối tiêu nói riêng ở trong nước chủ yếu sử dụng chồi giống tách từ cây mẹ hay còn gọi là cây tách chồi. Loại chồi này không đồng nhất về độ tuổi và kích thước nên không đồng nhất về sinh trưởng và thời gian thu hoạch. Mặt khác, sử dụng cây giống tách chồi có nguy cơ lây truyền dịch hại từ vùng này sang vùng khác. Việc sử dụng cây nuôi cấy mô thay thế cây tách chồi đã được trồng thử nghiệm thành công ở các vùng trồng chuối tập trung quy mô lớn ở Hưng Yên, Phú Thọ và nhiều vùng trồng chuối khác. Tuy nhiên, trở ngại lớn để cây giống chuối nuôi cấy mô được sử dụng rộng rãi trong sản xuất là giá thành còn cao và thời gian vườn ươm còn dài.

Để thâm canh giống chuối tiêu nói chung và giống chuối tiêu hồng nói riêng đạt hiệu quả cao hơn, an toàn và thân thiện với môi trường… cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp kỹ thuật theo hướng tạo sản phẩm an toàn (VietGAP). Giống chuối tiêu hồng sinh trưởng khỏe, thân giả mập và chắc, cho năng suất cao và phù hợp với các vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung du phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2014, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Rau quả do TS. Nguyễn Văn Nghiêm dẫn đầu, đã thực hiện dự án: “Sản xuất thử và phát triển giống chuối Tiêu hồng theo hướng VietGAP cho vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ” nhằm góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất chuối, hình thành nên những vùng sản xuất chuối tập trung quy mô lớn phục vụ xuất khẩu, tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Dự án nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô. Cụ thể là hoàn thiện Bản quy trình sản xuất cây giống chuối tiêu hồng giá thành thấp đạt Tiêu chuẩn Việt Nam. Thời gian cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn giảm còn 45 ngày, giá thành cây giống 5.000 đồng/cây, giảm 15% so với quy trình cũ.

Kết quả nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng thâm canh chuối tiêu hồng theo hướng VietGAP. Bản quy trình kỹ thuật trồng thâm canh chuối tiêu hồng theo hướng VietGap phù hợp với vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đạt năng suất từ 45,1 đến 54,4 tấn/ha, sản phẩm quả đạt tiêu chuẩn VietGap, hiệu quả kinh tế tăng 15% so với cây trồng khác tại địa bàn sản xuất.

Kết quả đã sản xuất được 180.000 cây giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô đạt tiêu chuẩn Việt Nam: Cây giống sinh trưởng khỏe, không có sâu bệnh hại nguy hiểm; chiều cao cây từ 15 đến 20 cm; đường kính thân từ 1,0 đến 1,5 cm; số lá/cây: từ 5 đến 7 lá.

Kết quả xây dựng mô hình:

- Xây dựng được 40 ha mô hình thâm canh chuối tiêu hồng theo hướng VietGap tại Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng Bắc bộ, đạt năng suất từ 44,4 đến 47,8 tấn/ha, sản phẩm quả tươi đạt tiêu chuẩn TCCN- VietGap 10-07 và được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

- Các mô hình thâm canh đạt thu nhập từ 222 – 239 triệu đồng/ha, làm tăng hiệu quả kinh tế so với việc trồng hoa màu khác như lạc, đậu và ngô từ 55-70 triệu đồng/ha. Kết quả thực hiện mô hình góp phần đẩy mạnh phát triển nghề sản xuất chuối, tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số: 11171/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)
Nguồn tin: Cục Thông tin KH&CN QG