Lễ ra mắt Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Ngày 5/8/2016, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub - SIHUB), với mục tiêu hướng đến phát triển cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo lớn mạnh và đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành “Thành phố khởi nghiệp”.

Tại Lễ ra mắt, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết: Tháng 5/2016, Chính phủ đã ban hành quyết định 844 về đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đây là một chủ trương lớn tầm quốc gia, sẽ mang lại ảnh hưởng thúc đẩy tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiện nay. Trong thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM đã xây dựng Chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong đó có các nội dung phù hợp với các nhiệm vụ của đề án 844 nói trên. Để triển khai thành công chương trình này, ngoài vai trò kiến tạo và định hướng của TP.HCM, chắc chắn cần có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng khởi nghiệp. Đặc biệt, việc mở rộng tham vấn, tạo điều kiện cho cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận nguồn lực công, hợp tác công tư (PPP) là những giải pháp tích cực và tối ưu cho mục tiêu chung là hướng đến một thành phố khởi nghiệp sáng tạo.

Saigon Innovation Hub sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp, giúp triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tận dụng được các chính sách hỗ trợ, nguồn lực công của TP.HCM. Sở KH&CN TP.HCM có vai trò kiến tạo và chỉ đạo để Saigon Innovation Hub thực sự là điểm kết nối và tạo sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển theo định hướng của TP.HCM.

Saigon Innovation Hub sẽ hỗ trợ cho những nhóm khởi nghiệp có từ 2 - 4 thành viên cũng như các dự án đã trải qua giai đoạn ý tưởng và đang trong giai đoạn phát triển sản phẩm. Dù không giới hạn về lĩnh vực hoạt động, nhưng Saigon Innovation Hub sẽ ưu tiên cho các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM gồm: chế biến lương thực thực phẩm; điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; hóa chất (nhựa, cao su, dược phẩm).

Các nhóm, dự án làm việc tại Saigon Innovation Hub sẽ được hưởng các hỗ trợ về hạ tầng, tài chính, đào tạo nâng cao năng lực và công tác kết nối với các cố vấn, nhà đầu tư cũng như chuyên gia trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo ông Dominic Mellor - Trưởng Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong, có ba trở ngại lớn thường ngăn trở sự phát triển của các start-up. Đó là hạn chế trong tiếp cận tài chính, cải cách chính sách, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo. Việt Nam đang phải đối mặt với cả ba trở ngại này. Ông Mellor cho rằng, hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có sự bất lợi so với các quốc gia khác, như các ưu đãi cho start-up khó tiếp cận, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế chưa tạo được lòng tin cho doanh nghiệp. Việc thành lập Saigon Innovation Hub sẽ là chất xúc tác giúp thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM qua việc đưa những ý tưởng, tài năng và các nhà đầu tư đến với nhau.

Hiện tại, Sai Gon Innovation Hub có 4 khu không gian chuyên biệt gồm: Phòng hội nghị chuyên đào tạo, kết nối các cộng đồng khởi nghiệp; Phòng hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp chưa tìm được không gian làm việc; Phòng họp trực tuyến; Phòng chuyên về đổi mới sáng tạo trong trường học.

Trong hơn một tháng qua kể từ khi chương trình khởi động, đã có 11 dự án của các nhóm start-up nhận được sự hỗ trợ từ phía Sở KH&CN TP.HCM. Trong buổi Lễ ra mắt Saigon Innovation Hub, đại diện Saigon Innovation Hub cũng đã ký kết nhiều biên bản hợp tác với các tổ chức như: Dự án Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân Vùng Mê Kông (MBI), Câu lạc bộ Mentor International Business Group (IBG), Mạng lưới Nhà đầu tư Thiên thần Việt Nam (iAngel) cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư...

NASATI
Nguồn tin: Cục Thông tin KH&CN QG