Giới thiệu điển hình đổi mới sáng tạo - Công ty cổ phần xi măng Hoàng Long

Ô nhiễm khói bụi công nghiệp là một dạng ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm đối với hệ sinh thái môi trường sống và sức khỏe của con người. Để khắc phục tình trạng này, năm 2014, Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long đã cải tạo hệ thống tiền nung, hệ thống làm mát kiêm thu hồi nhiệt và hệ thống lọc tách bụi khí thải trong lò nung clinker mang lại hiệu quả cao: Tiêu hao năng lượng giảm được 10%; năng suất lò được cải thiện 10% và phát thải bụi ống khói chính gần như được triệt tiêu hoàn toàn.

Công ty Cổ phần Xi măng Hoàng Long là doanh nghiệp sản xuất xi măng có quy mô lớn nhất tại tỉnh Hà Nam. Dây chuyền sản xuất xi măng lò quay của Công ty có công xuất 1,5 triệu tấn/năm ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của CHLB Đức, Pháp và Đan Mạch... cùng với Hệ thống điều hành bao gồm những thiết bị hiện đại nhất như: Phòng điều khiển tự động, Lò quay và tháp trao đổi nhiệt độ 5 tầng, máy nghiền xi măng thế hệ mới, máy nghiền liệu gió quét, máy đóng bao Haver - Boecker của Đức... Xi măng Hoàng Long đã trở thành nhà cung cấp xi măng chủ lực cho các công trình xây dựng lớn của nhiều địa phương khác trong cả nước.

Được thành lập năm 2004, hiện nay Công ty Cổ phần Xi măng Hoàng Long có 2 nhà máy đang hoạt động là Nhà máy Xi măng Hoàng Long và Nhà máy xi măng Nam Sơn. Trong đó, Nhà máy xi măng Hoàng Long tại Thanh Liêm, Hà Nam, đi vào vận hành năm 2009 với công suất lò quay theo thiết kế 1.000 tấn clinker/ngày, năng suất thực tế đạt 1.200 tấn clinker/ngày. Nhà máy xi măng Nam Sơn tại Chương Mỹ, Hà Nội (Công ty CP xi măng Hoàng Long mua lại năm 2015), đi vào vận hành năm 2011 với công suất lò quay theo thiết kế 1.000 tấn clinker/ngày và năng suất thực tế đạt được 1.100 tấn clinker/ngày.

Doanh nghiệp Xi măng Hoàng Long là doanh nghiệp cổ phần tư nhân luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Đối với ngành sản xuất công nghiệp nặng như sản xuất xi măng, nguồn khí bụi phát thải ra bên ngoài là rất lớn nên việc xử lý bụi luôn là vấn đề được ngành quan tâm. Thông thường trong đá vôi có ít kim loại nặng nhưng các hạt bụi siêu nhỏ thậm chí bay xa hàng chục km. Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long cho biết: “Khí thải của nhà máy xi măng có từ 2 nguồn, một là nguồn khí thải do làm mát clinker, nguồn thứ hai là nguồn khí thải của hệ thống trước khi đến lò. Đến năm 2014, sau 5 năm vận hành Công ty có đầu tư hệ thống làm mát kiêm thu hồi năng lượng. Nguyên liệu được đưa từ trên cao xuống qua hệ thống lò để nung tạo ra viên clinker từ đá vô, đất sét và các phụ gia khác, viên clinker này khi ra khỏi lò rất nóng, lên đến 1.100 độ C nên cần được làm mát. Việc làm mát này làm tăng thêm chất lượng của clinker do vậy hệ thống làm mát rất quan trọng trong quy trình sản xuất”.

Hệ thống làm mát trước đây Công ty sử dụng không được thông thoáng, đòi hỏi phải đưa nhiều gió hơn để lò mát hơn do đó lưu lượng khí nóng phát thải ra ngoài rất cao. Hệ thống mới của Công ty đã thu hồi nhiệt và đưa nó quay trở lại lò đốt và lò tiền nung dó đó lưu lượng nhiệt thoát ra khỏi lò thấp, ô nhiễm giảm. Quá trình làm mát không phát thải khí độc, chỉ phát thải khí nóng, nếu lưu lượng khí nóng nhiều nghĩa là năng lượng mất đi nhiều và bụi nhiều hơn. Trong sản xuất xi măng, bụi chính là clinker va đập, nó mịn ra và thoát ra ngoài cùng với khí nóng, tuy nhiên bụi đó hiện nay đã được Công ty thu hồi rất tốt.

Ông Lê Đức Huy cho biết hệ thống lọc bụi trước đây của công ty là hệ thống lọc bụi hoạt động trên nguyên lý tĩnh điện. Trong hệ thống có rất nhiều bản cực âm dương được đặt ở điện áp cao. Điện áp đó bổ sung electron hoặc lấy electron của các hạt bụi đi. Các hạt bụi sẽ nhiễm điện và đi về các bản cực và lắng lại và người ta dùng động cơ rung để rung nó xuống, bụi được thu hồi ở dưới. Nhưng quá trình này không thể triệt tiêu hết được tất cả các hạt bụi đặc biệt là các hạt bụi nhỏ siêu mịn vẫn theo hệ thống gió và khí thải để đi ra ngoài. Công ty Xi măng Hoàng Long là công ty đầu tiên sử dụng hệ thống lọc bụi bằng túi chịu nhiệt độ cao, do vậy chi phí sản xuất cao hơn vì túi rất đắt tiền.

Lọc bụi bằng túi lọc khác với lọc bụi tĩnh điện. Lọc bụi bằng túi sử dụng quạt hút, hút khí nóng từ phía lò và khí tiền nung qua hệ thống lọc bụi và hệ thống lọc bụi này có tính chất giống màng lọc trong xe ô tô, bụi được giữ lại dùng khí nén để xả bụi và thu hồi bụi lại. Một mặt Công ty thu hồi được bụi để tái sản xuất, mặt khác phát thải bụi ra ngoài môi trường gần như được triệt tiêu.

Việc ứng dụng công nghệ lọc khí bụi trong quá trình sản xuất đã giúp Công ty CP Xi măng Hoàn Long giảm thiểu tối đa khí bụi phát thải ra môi trường. Trong quá trình cải tạo các kỹ sư của Phòng Khoa học công nghệ của công ty đã nghiên cứu và tự chế tạo ra một phần thiết bị của công nghệ này và đã giúp giảm thiểu chi phí đầu tư.

Một trong những sáng kiến quan trọng mà anh em kỹ sư đã chế tạo thành công đó là côn thu bụi trong quá trình sản xuất. Việc tự sản xuất một phần thiết bị lọc bụi giúp công ty Hoàng Long chủ động hơn trong việc thay thế thiết bị cũ hỏng và giảm thiếu chi phí đầu tư thiết bị nhập ngoại.

Anh Nguyễn Văn Thương, công nhân sửa chữa và gia công lắp đặt Phân xưởng Cơ khí nói: “Đây là côn thu bụi của đáy máy đóng bao mới. Máy đóng bao bao giờ cũng có bụi và côn này sẽ hút phần bụi ở dưới đáy máy đóng bao và đưa qua hệ thống lọc bụi làm sạch và thải ra môi trường không có bụi. Nếu gia công đặt bên ngoài thì rất đắt, gia công như thế này rẻ hơn rất nhiều và làm lợi cho công ty đồng thời trình độ công nhân cũng được nâng lên. Nhiều cải tiến được đưa vào sản xuất giúp công nhân làm việc dễ dàng hơn và không mất quá nhiều sức lực”.

Có thể nói việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, giảm thiểu công sức lao động cho người công nhân. Anh Nguyễn Ngọc Tuân, tổ trưởng Xưởng Cơ khí khẳng định việc đưa khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất góp phần không nhỏ trong việc tích kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu sức lao động của người công nhân và hơn hết là bảo vệ môi trường.

Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long rất chú trọng đến việc đổi mới công nghệ dựa trên nền tảng của thiết kế ban đầu. Mỗi năm Công ty có trên 10 cải tiến kỹ thuật công nghệ trong số đó 5 sáng kiến cải tiến đã được Sở KHCN Hà Nam cấp giấy chứng nhận là sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp tỉnh và 3 cải tiến được Liên đoàn lao động Hà Nam đề nghị Tổng liên đoàn cấp bằng lao động sáng tạo.

Trên cơ sở hiệu quả của việc cải tạo ở Nhà máy xi măng Hoàng Long, Công ty đã quyết định sẽ tiến hành cải tạo tương tự tại Nhà máy xi măng Nam Sơn nhằm hướng đến các mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và thân thiện môi trường.

Các sản phẩm của Nhà máy xi măng Hoàng Long đã được Trung tâm kiểm định vật liệu xây dựng - Bộ xây dựng, Trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn QUACERT kiểm nghiệm và chứng nhận sản phẩm: xi măng pooclăng hỗn hợp PCB 30, PCB 40 và clinker xi măng thương phẩm CPC 50 phù hợp tiêu chuẩn TCVN 6260: 1997 và TCVN 7024: 2002

Một số công trình tiêu biểu sử dụng xi măng Hoàng Long gồm có: Các dự án của tập đoàn Vingroup như: Dự án Royal City, Dự án Times City, Dự án Vincom Long Biên, Tòa nhà Keangnam Hà Nội, Tòa nhà tập đoàn điện lực Việt nam EVN,v.v..

 

NASATI
Nguồn tin: Cục Thông tin KH&CN QG