Công nghệ nuôi trai nước ngọt lấy ngọc “Made in Vietnam”

Nghề nuôi cấy ngọc trai được hình thành từ những năm 1853 tại Nhật Bản do ông Kokichi Mikimoto phát minh ra, trên đối tượng con trai biển dòng Mã thị (Akoya) Peteria mactensii bằng kỹ thuật cấy ghép nội tạng nhân và mô tế bào. Còn ở Việt Nam nghề nuôi cấy ngọc trai nước ngọt phát triển chậm, mặc dù trên cả nước chúng ta có rất nhiều vùng ao, hồ, sông ngòi, đồng ruộng sâu trũng… môi trường nước ngọt tương đối phù hợp để phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc. Đặc biệt chúng ta đang sở hữu nguồn trai nguyên liệu vô cùng dồi dào và phong phú về chủng loại, nhưng thực tế đầu tư vào lĩnh vực này chưa đáng kể nên ngọc trai nước ngọt mang thương hiệu Việt Nam chưa thực sự tỏa sáng và có vị trí trên thế giới.

Trước thực trạng đó, nhà khoa học Đinh Văn Việt cùng người bạn đời của ông là bà Cao Thị Thanh Dần trải qua hơn 20 năm lăn lộn, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo; họ đã đánh đổi cả sức khỏe và tuổi thanh xuân để nghiên cứu và và ứng dụng thành công 03 kỹ thuật cấy ghép trên 02 đối tượng trai nước ngọt: Loài trai đen cánh dầy (Hyrio psiscumingii lea) và Loài trai xanh cánh mỏng (Cristaria bialata lea) với các kỹ thuật chính:

  • Kỹ thuật cấy ghép nhân và mô tế bào tại khu vực màng áo ngoài trên loài trai nước ngọt, cấy 04 viên nhân/con, cấy lật hai mặt.
  • Kỹ thuật cấy ghép mô tế bào vào khu vực màng áo ngoài trên loài trai nước ngọt, cấy 40 tế bào/con, cấy lật hai mặt.
  • Kỹ thuật cấy gắn vỏ bằng phôi nhân hình tượng theo các chủ đề. trên loài trai nước ngọt, cấy 04 viên/con cấy lật hai mặt.

Ninh Bình là một tỉnh có nhiều loài trai nước ngọt sinh sống, phân bổ tập trung ở các khu vực sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc và một số địa phương như Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan, Gia Viễn… Ngoài ra với tiềm năng 22,436 ha diện tích đất mặt nước (ao hồ, ruộng trũng, thùng đào) đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Ninh Bình phát triển nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc kết hợp nuôi các loại thủy, đặc sản khác.

Ngọc trai nước ngọt màu vàng (kích thước 8 - gần 10 ly)

Về đặc điểm sinh học và quy trình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc: Ngọc trai được hình thành bên trong thân thể của loài nhuyễn thể (lớp 2 mảnh vỏ). Đây là phản xạ tự nhiên để tự chữa lành vết thương. Chúng tiết ra chất bao bọc lấy dị vật bằng các lớp cacbonat canxi (CaCO3) dưới dạng chất khoáng aragonit và canxi, được dính kết với nhau bởi một chất hữu cơ giống như sừng gọi là conchiolin. Sự kết hợp giữa cacbonat canxi và conchiolin được gọi là xà cừ. Qúa trình tạo ra lớp xà cừ bao bọc lặp đi, lặp lại nhiều năm và tạo ra viên ngọc. Khi có một tác nhân kích thích điển hình, thường là các chất hữu cơ, ký sinh trùng, hoặc thậm chí những tổn hại làm chuyển chỗ lớp màng áo sang phần khác của con vật.

Loài trai xanh cánh mỏng và trai đen cánh dầy trong tự nhiên được phân bổ rộng khắp tại các sông, ngòi, hồ, đầm lớn trên phạm vi toàn tỉnh Ninh Bình. Là loài trai có sức sống bền bỉ, tuổi thọ cao (trên 08 năm) đặc biệt trai trưởng thành có kích cỡ lớn từ 20 - 35cm, trọng lượng lên đến 2,8 kg/một con, màu xà cừ sáng bóng. Đây là những chỉ số kỹ thuật phù hợp để cấy ghép được nhân to, sức tạo ngọc nhanh, độ bóng sáng cao, màu sắc đẹp. Bằng phương pháp cấy ghép mô tế bào và nhân vào khu vực xoang màng áo ngoài trên đối tượng trai nước ngọt, loài trai xanh cánh mỏng (Cristaria bialata lea) và trai đen cánh dầy (Hyriopsis cumigii) đây là kỹ thuật cấy ghép tiên tiến cho ra sản phẩm Ngọc trai nước ngọt hình cầu (tròn) có kích cỡ lớn từ 4 đến trên 12mm, màu sắc đa dạng (trắng ánh hồng, ánh bạc, vàng mơ, tím huế, nâu cacao…), chất lượng ngọc cao.

 

Tóm tắt quy trình công nghệ nuôi trai lấy ngọc gồm: Kỹ thuật xây bể dưỡng - Kỹ thuật cắt tế bào (lựa chọn trai cắt tế bào, dụng cụ cắt tế bào, thuốc nuôi tế bào) - Kỹ thuật cấy ghép (lựa chọn trai nguyên liệu cấy, chuẩn bị trai cấy, chuẩn bị nhân cấy, kiểm tra các thông số về nhiệt độ, môi trường trước khi cấy, cấy ghép) - Nuôi dưỡng trai sau khi cấy (Nuôi dưỡng trai giai đoạn đầu, giai đoạn thứ hai, giai đoạn thứ ba) - Lựa chọn ao nuôi - Chăm sóc trai cấy ngọc - Thu hoạch.

Phân loại ngọc trai sau khi thu hoạch

Bảng phân loại ngọc trai

Phân loại

Tỷ lệ

Diễn giải

Loại 1 AAA+

5%

Đạt 6 tiêu chí: dầy, tròn, bóng, màu, kích cỡ, không tỳ vết.

Loại 2 AAA

20%

Đạt 5 tiêu chí: dầy, tròn, bóng, màu, không tỳ vết.

Loại 3 AA

25%

Đạt 4 tiêu chí: dầy, bóng, màu, không tỳ vết.

Loại 4 A

30%

Đạt 3 tiêu chí: dầy, bóng, màu.

Loại 5 O

20%

Đạt 2 tiêu chí: dầy, màu.

Ngọc tự nhiên: Là loại ngọc vụn được tao ra từ quá trình nuôi dưỡng

Như vậy, để tạo ra những viên ngọc trai đẹp, có giá trị làm sản phẩm trang sức cao cấp cho chị em phụ nữ và phục vụ thị trường xuất khẩu các nhà khoa học phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và hơn hết là sự đam mê, tâm huyết để đi đến tận cùng của sự thành công là tạo ra những viên ngọc trai có vẻ đẹp hoàn hảo. Tiếp xúc với nhà khoa học tác giả nhận thấy, ẩn đằng sau sự đen đúa, khắc khổ nhuộm màu nắng gió trên gương mặt là cả một sự tự tin, hy vọng vào tương lai rộng mở và tươi sáng hơn khi ngọc trai Việt Nam hiện không chỉ được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước mà đã được xuất sang một số thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc …

Bài viết có tham khảo và sử dụng tư liệu từ Đề tài khoa học “Áp dụng kỹ thuật, xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại huyện Yên Khánh - tỉnh Ninh Bình”.

Hằng Nga(NASATI)
Nguồn tin: Cục Thông tin KH&CN QG