Dự báo về thị trường gạo 6 tháng cuối năm 2021

Trong 6 tháng cuối năm, USDA dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trong năm 2021, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao.

Theo USDA, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Một số thị trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines với mức tăng 13%, Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) tăng 9,1%, Ghana tăng 5,6% và Liên minh châu Âu (EU) tăng 2,1%. Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, USDA dự báo Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020; Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019. Còn theo báo cáo của FAO vào đầu tháng 6, chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng 12% lên mức kỷ lục do giá hàng hóa và nhu cầu tăng cao trước tác động của dịch Covid-19. Kim ngạch nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt 1.715 tỷ USD trong năm nay, so với mức 1.530 tỷ USD của năm ngoái. FAO đánh giá tình trạng giá lương thực tăng từ cuối năm 2020 đã làm gia tăng rủi ro cho các nước nghèo vốn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.

Trong tháng 5, chỉ số giá thực phẩm của tổ chức này đã chạm mức cao nhất trong 10 năm, do mức tăng mạnh của ngũ cốc, dầu thực vật và đường. FAO cho biết một chỉ số riêng biệt về giá trị nhập khẩu lương thực, bao gồm cả chi phí vận chuyển hàng hóa cũng tăng vọt và đạt mức kỷ lục trong tháng 3, cao hơn cả các mức đã ghi nhận trong những đợt tăng đột biến giá lương thực trước đó vào các năm 2006-2008 và 2010-2012.

Dự báo từ FAO còn cho biết các hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc là động lực thúc đẩy nhu cầu cũng như giá nông sản trong năm qua, phần nào phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng lại ngành chăn nuôi lợn sau khi dịch bệnh bùng phát.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 6 tháng cuối năm 2021, triển vọng nhu cầu thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn 20 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan và hơn 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.

 

tdkhiem
Nguồn tin: Tổng hợp từ nhiều nguồn