Nghiên cứu công nghệ sản xuất và ứng dụng dung dịch siêu oxy hóa có độ khoáng hóa thấp để làm chất khử trùng trong chế biến thủy sản xuất khẩu

Năm 2015, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ môi trường do KS. Nguyễn Văn Hà phụ trách đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất và ứng dụng dung dịch siêu ôxy hóa có độ khoáng hóa thấp để làm chất khử trùng trong chế biến thủy sản xuất khẩu.

Bằng phương pháp xây dựng sơ đồ công nghệ điều chế hỗn hợp dung dịch oxy hóa từ nước muối, đo pH và thế oxy hóa khử ORP, đo nồng độ khoáng chất (TDS) và nồng độ clo hoạt tính. Tiến hành nghiên cứu khả năng lưu trữ và sự hao tổn clo hoạt tính trong quá trình lưu trữ dung dịch oxy hóa. Đề tài đã thu được những kết quả sau:

Xây dựng được sơ đồ công nghệ 1 modul điện hóa MB-11, tiến hành khảo sát sự ảnh hưởng của các thông số kỹ thuật đến chất lượng dung dịch Supowa và xác định được điều kiện vận hành hệ thống tối ưu để điều chế được dung dịch siêu oxy hóa có độ khoáng hóa thấp (khoảng 1g/l) và nồng độ clo hoạt tính khoảng 500 mg/l và năng suất clo hoạt tính lên tới 9-10 g/h đó là: Udc =8V, Qa = 18-20 L/h, Qca = 2,2-2,5 L/h, áp suất nước vào 0,5 atm. Đồng thời trong quá trình chạy thử nghiệm sơ đồ, nhóm nghiên cứu nhận thấy độ giảm hẳn sự bám cặn trên điện cực nhờ theo dõi sự ổn định của thiết bị và khoảng thời gian phải tiến hành làm sạch điện cực lớn hơn rất nhiều so với các sơ đồ công nghệ có quay vòng catolyte.

Trên cơ sở sơ đồ công nghệ 1 modul MB-11, các nhà khoa học đã tính toán, thiết kế thiết bị sử dụng 8 modul Mb-11 cho phép sản xuất dung dịch Supowa với công suất lớn phù hợp với điều kiện sản xuất của nhà máy chế biến thủy sản BASEAFOOD Bà Rịa Vũng Tàu, nơi sẽ triển khai lắp đặt thiết bị điều chế dung dịch siêu oxy hóa. Đề tài cũng khảo sát ảnh hưởng của các thông số kỹ thuật đến chất lượng Supowa và công suất thiết bị và từ đó xác định được điều kiện vận hành hệ thống tối ưu để điều chế dung dịch Supowa có độ khoáng hóa thấp (khoảng 1g/l) và nồng độ clo hoạt tính khoảng 500 mg/l và năng suất clo hoạt tính lên tới 60 g/h đó là: Udc=28 -29V. Qa= 120L/h, Qca=20 L/h.

Dung dịch Supowa điều chế được sau đó được nghiên cứu sự tổn hao clo trong quá trình
lưu trữ.Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng để bảo quản tốt supowa cần phải sử dụng các bình trữ có mặt thoáng nhỏ và càng kín càng tốt, tốt nhất nên sử dụng ngay sau khi điều chế, hoặc vòng 8 giờ đầu. Kết quả chạy thử nghiệm tại nhà máy chế biến thủy sản BASEAFOOD cho thấy thiết bị đã vận hành đúng các tiêu chí đã thiết kế và cho ra sản phẩm dung dịch Supowa có các thông số chất lượng đáp ứng yêu cầu.

Các kết quả của Đề tài này đã cho phép khẳng định một số ưu thế của công nghệ khi đưa ra ứng dụng trong lĩnh vực chế biến thủy sản: Thiết bị Supowa cho phép sản xuất dung dịch khử khuẩn tại chỗ, hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất chất khử trùng theo yêu cầu của sản xuất và không phụ thuộc vào các chất khử trùng nhập ngoại, qua đó hạn chế được việc chi tiêu ngoại tệ cho việc nhập khẩu chất khử trùng. Thiết bị Supowa được cải tiến về qui trình công nghệ đã tỏ ra thích hợp với điều kiện chất lượng và nhiệt độ nước cấp của Việt Nam. Điều này cho phép mở rộng ứng dụng dung dịch này trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Sản phẩm khử trùng Supowa đã được khẳng định là chất khử trùng thân thiện với con người và môi trường, nên việc ứng dụng rộng rãi dung dịch này sẽ cải thiện được môi trường trong các nhà máy chế biến thủy sản. Điều này có tác dụng tốt cải thiện điều kiện làm việc cho hàng vạn công nhân đang làm việc trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Sản phẩm Supowa đã được khẳng định có các khả năng ứng dụng khử mùi nên có thể sử dụng làm giảm thiểu sự phát sinh mùi từ các nhà máy chế biến thủy sản là vấn đề mà nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang gặp phải.

Những kết quả mà đề tài thu được đã cho phép các cán bộ của Viện Công nghệ môi trường hoàn toàn làm chủ việc thiết kế chế tạo thiết bị và ứng dụng sản phẩm Supowa trong việc chế biến thủy sản. Công nghệ này vì vậy đã sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị chế biến thủy sản sử dụng, góp thêm một công cụ mới để vệ sinh khử trùng môi trường cũng như trên các dây chuyền chế biến thủy sản nhằm hạn chế khả năng rủi ro do các sản phẩm thủy sản xuất khẩu bị trả về do nhiễm khuẩn vượt mức cho phép, góp phần nâng cao thu nhập cho một số bộ phận không nhỏ người lao động trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11582/2015) có tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.T.T. (NASATI)
Nguồn tin: Cục Thông tin KH&CN QG