Báo động: 26 tỷ đồng hàng giả bị xử lý trong năm 2017

Trong năm 2017, lực lượng hải quan đã bắt giữ và xử lý 32 vụ hàng giả, hàng nhái với tổng giá trị lên tới 26 tỷ đồng. Càng vào dịp cuối năm, tình trạng hàng giả, hàng nhái càng diễn ra phức tạp, phá vỡ thị trường.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái đang diễn ra phức tạp

Những vụ việc hàng giả, hàng nhái bị phát hiện, xử lý gần đây có xu hướng gia tăng với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, trắng trợn hơn. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong vị trí địa lý được đánh giá là gần khu vực trung tâm sản xuất, buôn bán và vận chuyển hàng hoá xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ và hàng giả lớn trên thế giới. Với đặc thù có nhiều đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới đường bộ đã tạo thành tuyến đường vận chuyển thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, trong đó có hàng giả và hàng hoá xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ.

Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã thông báo tới các cơ quan báo giới trong buổi họp báo diễn ra tại Hà Nội con số đáng báo động về tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái đang diễn ra phức tạp

Cụ thể, năm 2017, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp cùng hải quan các địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 32 vụ hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng giá trị hàng hóa vi phạm, bị bắt giữ và xử lý khoảng 26 tỷ đồng.

Thực tế các hành vi vi phạm rất đa dạng và phong phú. Khi làm thủ tục hải quan, các đối tượng thường không khai báo nhãn hiệu hàng hoá, hoặc khai sai xuất xứ, chủng loại, số lượng để trốn tránh thuế cũng như sự kiểm soát của hải quan. Quá trình đóng hàng vào container để vận chuyển, các đối tượng thường trộn lẫn hàng thật với hàng giả, hoặc đóng nhiều chủng loại hàng mang các nhãn hiệu khác nhau... để qua mặt cơ quan chức năng.

Đặc biệt, trong năm 2017, các đối tượng đã sử dụng phương thức mới hòng trục lợi. Cụ thể, đối với hàng hóa quá cảnh, Việt Nam áp dụng theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã lợi dụng chính sách này để vận chuyển hàng hoá giả mạo Sở hữu trí tuệ từ nước láng giềng về Việt Nam. Sau đó, chúng đưa sang một số nước láng giềng khác tiêu thụ.

Các chủng loại hàng hoá xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, bị làm giả được nhập khẩu về Việt Nam rất phong phú và đa dạng như quần áo, túi xách, giày dép, phụ kiện thời trang; đồ gia dụng, đồ điện tử; thiết bị nội thất, đồng hồ đeo tay, điện thoại di động, mỹ phẩm, đồ trang sức, thiết bị dùng cho sân khấu…

Theo thông tin được đăng tải trên VTV, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, hiện đã có tới trên 30 ngành hàng ở Việt Nam bị làm giả. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều chồng chéo, trùng lắp.

Theo các chuyên gia, hoạt động chống hàng gian - hàng giả chỉ có thể đạt hiệu quả tốt hơn nếu doanh nghiệp và các lực lượng chức năng có được những giải pháp hỗ trợ tốt hơn.

Kế hoạch ngăn chặn tình trạng hàng giả trong năm 2018

Trước tình trạng này, ngành hải quan cũng đã có những kế hoạch siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái xâm nhập vào Việt Nam trong năm 2018.

Cụ thể, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan; Tăng cường hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại hình sản xuất xuất khẩu, đầu tư, gia công xuất khẩu.

Đồng thời, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng tập trung kiểm soát đối với các mặt hàng, sản phẩm có nguy cơ làm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ cao như điện tử, hàng tiêu dùng, thời trang dày dép, túi xách, rượu, thuốc lá, tân dược, đông dược.

Một số vụ việc bắt giữ hàng giả, hàng nhái điển hình

Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1: Vụ việc 04 container hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I

Hàng hóa khai báo là bách hóa gồm: kẹo, đinh vít, giày dép, quần áo, phụ tùng xe, phụ kiện điện thoại, đèn, nước xả vải, quần áo, bút chì, hộp bút, khóa cửa, gia vị, phụ tùng, đồ dùng nhà bếp, bình đựng nước trái cây, quần áo, gia vị, đồ chơi, máy rang bắp, dầu tạo khói, vợt muỗi ...

Song kiểm tra thực tế là các mặt hàng giả mạo Sở hữu trí tuệ gồm: 13.562 phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Apple, 328 phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Samsung, 8.050 bộ quần áo giả mạo nhãn hiệu Puma, 8380 bộ quần áo giả mạo nhãn hiệu Nike, 28.730 bộ quần áo Adidas, 1.080 đội giày Converse, 330 đôi giày Adidas, 700 túi xách các giả mạo các nhãn hiệu LouisVuitton, Giorgio Armani và Mont Blanc, 5100 ví nhỏ đựng card giả mạo các nhãn hiệu LouisVuitton và Gucci, 1.125 đồng hồ các loại giả mạo các nhãn hiệu Rolex, Piguet, Chanel, Tagheuer, Breitling; 970 sản phẩm là đồ trang sức, phụ kiện giả mạo các nhãn hiệu Starbucks, Catier, Rolex, MontBlanc và Dior, 580 logo Honda các loại.

Tại cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn

Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị - Cục Hải quan Lạng Sơn kiểm tra trọng điểm 17 container. Kết quả kiểm tra phát hiện trong 2 container chứa nhiều túi xách nhãn hiệu Gucci, Coach, COGCI; túi giả kiểu dáng Louis Vuitton; các túi xách tay không tem mác, nhãn hiệu, bên trong có kèm theo ví, khóa ví hình chữ H nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Hermes.

Tại cửa khẩu Xa Mát- Tây Ninh

Theo báo Hải Quan, Đội 4 đã tiến hành kiểm tra trọng điểm container 20 feet của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ XNK và Du lịch Việt Trấn mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực 1 đến cửa khẩu Xa Mát, phát hiện chứa nhiều hàng vi phạm. Theo khai báo, hàng hóa gồm 456 thùng máy in và phụ kiện máy in xuất xứ Hồng Kông hàng mới 100%. Kiểm tra thực tế, ngoài máy in theo khai báo còn có máy scan, máy in đa chức năng mang nhãn hiệu Canon, HP, EPSON xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc, Korean, Phillipines…

Hà Linh
Nguồn tin: http://www.sohuutritue.net.vn