Nỗ lực xây dựng hình ảnh của Trump sau cuốn sách thảm họa

Ông Trump điều hành cuộc họp về nhập cư như một ngôi sao truyền hình thực tế, nhằm dập tắt hoài nghi về năng lực lãnh đạo của mình.

Đông đảo phóng viên đưa tin về cuộc họp nhập cư do ông Trump chủ trì. Ảnh: NYTimes.

Nước Mỹ tuần qua chấn động khi cuốn sách "Lửa và Cuồng nộ" được xuất bản, trong đó Tổng thống Donald Trump bị gọi là "một đứa trẻ", "gã ngốc", thậm chí còn làm dấy lên những hoài nghi về sức khỏe tâm thần của ông chủ Nhà Trắng. Thảm họa truyền thông này buộc ông Trump phải tung ra chiến dịch phản kích nhằm xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo điềm tĩnh, hoàn toàn làm chủ được quyền lực của mình, theo CNN.

Chiến dịch này được thực hiện hôm 9/1, khi ông Trump mời các phóng viên tới dự cuộc họp về nhập cư kéo dài 55 phút do ông chủ trì cùng lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng. Đây là một cuộc họp mở, lãnh đạo các đảng được quyền tự do tranh luận những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến chính sách nhập cư của nước Mỹ.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết việc tổ chức cuộc họp dưới ống kính phóng viên giúp Trump phát đi thông điệp rộng rãi và cho công chúng thấy rằng Tổng thống rất quan tâm tới chính sách. Đây cũng là một phần trong chiến thuật nhằm giảm nhiệt "cơn sốt về Trump" do cuốn sách "Lửa và Cuồng nộ" gây ra trong dư luận.

Trong cuộc họp, Trump ngồi giữa những quan chức quyền lực nhất của hai đảng, tạo nên hình ảnh nhà lãnh đạo tự tin và linh hoạt, đóng vai trò như người "cầm trịch" trong cuộc tranh luận, trong khi vẫn thể hiện được bản sắc của mình là một "bậc thầy thương thuyết".

Trước ống kính truyền hình, ông chủ Nhà Trắng cho thấy ông vẫn theo sát được cuộc tranh luận, đưa ra những lý lẽ để bảo vệ cho các quan điểm gây tranh cãi của mình, chẳng hạn như việc xây tường biên giới, mà không xúc phạm đến đối phương, thậm chí còn tỏ ra cởi mở với những quan điểm khác biệt.

Theo bình luận viên Jeff Zeleny, cách tổ chức cuộc họp này cho thấy khả năng của ông Trump trong việc xây dựng hình ảnh theo phong cách truyền hình thực tế đằng sau các cuộc thương thảo ở Washington. Đây có lẽ là nỗ lực hiệu quả nhất của ông nhằm khẳng định mình là "tay chơi lớn" trong những thời khắc chính trị quan trọng, kỹ năng mà ông dần thuần thục trong năm đầu đầy bão tố của nhiệm kỳ.

Hình ảnh ông Trump chủ trì cuộc họp chính trị quan trọng kéo dài gần một tiếng ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận nước Mỹ với các tranh cãi nổ ra sau đó. Các thành viên đảng Cộng hòa hết lời ca ngợi phong thái của Trump, trong khi những người theo chủ nghĩa tự do nổi giận với những lời tán dương Tổng thống trên truyền thông.

Trump thể hiện hình ảnh quyền lực khi ngồi giữa các lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ảnh: AP.

"Cuộc họp này được tổ chức rất kỳ lạ nhưng đó là sự lạ thường tích cực", chuyên gia phân tích chính trị David Gergen nhận định. Theo ông, hình thức tổ chức cuộc họp và những ấn tượng mà Tổng thống Trump tạo ra rõ ràng đều nhằm phản kích những gì được đề cập trong cuốn "Lửa và Cuồng nộ".

"Tôi cho rằng Trump dường như đã thể hiện được bản sắc của mình. Mọi người đang bắt đầu nói ‘ông ấy có vẻ ổn đấy’", Gergen nhận định.

Trong cuộc họp nội các hôm qua, Trump không ngừng đề cập tới cách truyền thông khen ngợi cách điều hành của mình trong sự kiện này. Ông thậm chí còn nói rằng hai người dẫn chương trình tin tức nổi tiếng đã gửi thư chúc mừng tới Nhà Trắng, nhưng sau đó bị cấp trên yêu cầu giảm bớt sự tán dương. "Tôi chắc rằng tỷ lệ người xem của họ rất cao", Trump nói.

Quan điểm mâu thuẫn

Những hình ảnh về cuộc họp trên truyền hình mang lại hiệu quả tích cực cho ông Trump và góp phần xoa dịu nỗi lo ngại trong những người ủng hộ ông khi nó chấm dứt tranh cãi về tình trạng sức khỏe tâm thần của Tổng thống. Tuy nhiên, về nội dung, những gì ông Trump đưa ra trong cuộc họp lại đôi lúc mâu thuẫn với chính quan điểm của ông và làm gia tăng sự bất định trong chính sách của Mỹ.

Trong cuộc tranh luận kéo dài, Trump đưa ra những chính sách, định hướng trái ngược nhau với cùng một chủ đề. Chẳng hạn như ông tuyên bố sẽ ký một đạo luật nhập cư "sạch", nhưng sau đó lại khẳng định trong đạo luật sẽ có điều khoản về xây tường biên giới, rồi tiếp theo lại nói rằng bức tường không cần phải xây trên toàn tuyến biên giới.

Trump nói ông sẵn sàng chấp nhận "thử thách" để thông qua luật cải cách nhập cư toàn diện, nhưng dường như quên mất rằng những người ủng hộ ông coi động thái này chẳng khác nào sự ân xá cho những người nhập cư không có giấy tờ.

Một trong những khoảnh khắc thú vị nhất của cuộc họp là khi các lãnh đạo đảng Cộng hòa tìm cách nhắc khéo Trump. Nghị sĩ Kevin McCarthy nhắc nhở Tổng thống về lập trường của mình rằng bất cứ động thái nào nhằm chấm dứt chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA) đều phải song hành với các biện pháp tăng cường an ninh biên giới, khiến Trump phải nhanh chóng chữa lời.

Trump có lúc còn cho thấy ông dường như không có một kế hoạch thực sự nào của riêng mình với vấn đề nhập cư. "Lập trường của tôi tùy thuộc vào kết quả thảo luận của những người trong phòng này", Trump tuyên bố. "Tôi trông cậy rất nhiều vào những người này".

Thượng nghị sĩ John Cornyn lập tức lên tiếng nhắc ông Trump rằng ông phải tự ra quyết định, bởi nếu Tổng thống không thể hiện sự ủng hộ với đạo luật bãi bỏ DACA, nó sẽ không được bàn bạc ở Thượng viện và Hạ viện.

"Tôi cho rằng Tổng thống khiến cuộc thảo luận trở nên mơ hồ", Gergen nói. Với xu hướng gây tranh cãi trong các phát ngôn của Trump, Gergen cho rằng giới quan sát cần chờ thêm thời gian để kết luận liệu cuộc họp trên có phải là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi cách hành xử của Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống hay không.

Trí Dũng
Nguồn tin: www.vnexpress.net(lntrang)