Nga phát triển vũ khí bom lượn ‘độc nhất vô nhị’ thế giới

Bom lượn Drill được coi là một vũ khí “độc nhất vô nhị” thế giới Nga đang phát triển có khả năng tàng hình trước mọi radar.

Bom lượn của Nga.Ảnh: Đất Việt

Tại triển lãm quân sự Army-2016, Nga có dịp phô trương thành tựu quốc phòng của mình, trong đó có bom đường không có tên mã là Drill.

Thông tin về loại bom này được hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Vladimir Porhachev - Tổng giám đốc Công ty quốc phòng NPO Bazalt cho biết, công ty này đang phát triển một mẫu bom đường không thế hệ mới dành cho các dòng chiến đấu cơ tiên tiến của Nga.

Vũ khí này sẽ là mẫu bom đường không độc đáo nhất thế giới cả về tính năng chiến đấu. Nó không thể bị phát hiện trước hệ thống radar, có khả năng phát động tấn công từ khoảng cách 30km so với mục tiêu.

Tổng Giám đốc công ty NPO của Nga, ông Vladimir Porhachev cho biết: “Bom lượn Drill không có động cơ. Khi được thả, nó sẽ xác định mục tiêu bằng sự trợ giúp của hệ thống định vị toàn cầu GLONASS. Quả bom chùm sẽ kích hoạt ở độ cao 250m. Tôi hi vọng, nó sẽ vượt qua các bài thử nghiệm trong năm nay”.

Được biết, bom mới có chiều dài 3m; rộng khoảng 0,5m; nặng 540 kg; độ cao để thả bom từ 100m đến 14.000m. Bom Drill được trang bị đầu dò bằng nhiệt, radar, cũng như không bị tác động bởi các hệ thống tác chiến điện tử.

Mặc dù tầm hoạt động của bom Drill chỉ là 30km - bằng 1/4 so với bom liệng GBU-39 của Mỹ (110km) nhưng nó được đánh giá là có mức sát thương cao hơn.

Bên trong quả bom chứa 15 bom nhỏ hơn nặng khoảng 20kg - không vi phạm hiệp ước quốc tế về sản xuất và sử dụng bom chùm. Các bom nhỏ này được cho là có thể phân biệt địch ta, cũng như không phát ra các tín hiệu hồng ngoại và có thể phá hủy được 10 xe tăng.

Việc NPO Bazalt kỳ vọng vào đề án phát triển bom lượn Drill một phần là vì nếu được thông qua nó sẽ là mẫu vũ khí tiêu chuẩn trên chiến đấu cơ tàng hình Sukhoi T-50 của Nga. Một quả bom thông minh có khả năng tàng hình và không thể bị phát hiện như Drill là điều những chiến đấu cơ như T-50 luôn cần tới.

Bên cạnh đó, bom lượn Drill có thể mang theo cả đầu đạn con có khả năng tiêu diệt tới 15 mục tiêu khác nhau và mỗi đầu đạn con này nặng tới 20kg. Điều này có nghĩa là nó không bị ràng buộc bởi các quy định quốc tế về cấm sử dụng bom chùm.

Nga luôn nổi tiếng với các mẫu bom chùm hay đạn con thông minh so với Mỹ, khi chúng có thể tiêu diệt cả các mục tiêu sử dụng các biện pháp đối phó chống đầu dẫn hồng ngoại. Ngoài ra, đạn con thông minh của Nga cũng có thể nhận biết bạn thù để điều chỉnh hướng bay nhằm tránh gây ảnh hưởng cho lực lượng đồng minh.

Dù khá uy lực nhưng tại sao kế hoạch đưa bom lượn Drill vào trang bị lại phải liên tục lùi tiến độ thực hiện như vậy- không rõ lý do. Ít người biết là nhiệm vụ kỹ thuật chế tạo bom đã được giao cho đơn vị thiết kế từ năm 1985, các thử nghiệm đầu tiên đã được tiến hành từ năm 2004.

Theo phân tích của một số chuyên gia đăng trên tờ “Báo Nga”, lý do của các lần phải lùi tiến độ trong các năm từ 1985 đến 2004 có thể là do những khó khăn chung phát sinh trong ngành công nghiệp quốc phòng (Nga) trong tiến trình thực hiện những cải cách tự do trong những năm 1990.

Còn hiện nay, sự chậm trễ có thể còn vì cơ quan thiết kế kiểu bom này của Nga đã bị đưa vào danh sách cấm vận của Mỹ trong năm 2014 và cũng có thể còn do tiến trình “tái cơ cấu” trong “công ty mẹ” của Tập đoàn khoa học-sản xuất “Balzalt”- tức Tập đoàn”Tekhmash”.

VKS Nga đã chờ nhận bàn giao kiểu bom mới này từ lâu. Theo kế hoạch đã được duyệt,trong năm 2018 này, VKS sẽ tiến hành 500 cuộc tập trận quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Và trong các cuộc tập trận này, nhiệm vụ rèn kỹ năng sử dụng vũ khí chính xác cao (trong đó có “Drill” sẽ là một điểm nhấn quan trọng) sẽ là một ưu tiên hàng đầu. Chính Bộ trưởng quốc phòng Nga Xergey Shoigu đã từng nhấn mạnh như vậy ngay trong mùa xuân năm 2017.

An Dương (T/h)
Nguồn tin: www.vietq.vn(lntrang)