Bật mí mô hình Kaizen ‘lạ’ ở Nhà máy xi măng Nghi Sơn

Tại nhà máy xi măng Nghi Sơn, mô hình Kaizen được áp dụng rất khác biệt. Mọi ý kiến của các nhân viên cấp thấp nhất đều được ghi nhận, tưởng thưởng.

Hệ thống đề xuất cải tiến liên tục Kaizen giúp các doanh nghiệp thay đổi để tốt hơn từ những điều nhỏ nhất. Đây là mô hình mang đặc trưng của Nhật Bản, được áp dụng rộng rãi ở các công ty Nhật và các liên doanh với nước ngoài. “Kai “Thay đổi” và Zen “Tốt hơn”, Kaizen chỉ đơn giản là “Thay đổi để tốt hơn”.

Nhà máy xi măng Nghi Sơn đã áp dụng mô hình Kaizen với 3 điểm khác biệt, nổi bật.

Thứ nhất, Kaizen là những cải tiến nhỏ và từ từ thay vì cải cách đột phá. Lấy ví dụ, hai sáng kiến được xếp loại B của nhà máy Nghi Sơn là: Tiết kiệm điện cho hệ thống ánh sáng ở dây chuyền 2 và Lắp đặt hệ thống quạt ở máy biến thế số 2. Những ý tưởng đề xuất đều nhằm cải thiện các khía cạnh nhỏ trong hoạt động sản xuất/kinh doanh/hoạt động.

Kaizen không yêu cầu mỗi nhân viên trở thành những nhà cách mạng “vẽ” ra những ý tưởng lớn nhằm thay đổi diện mạo công ty và thị trường. Người Nhật quan niệm toàn bộ bức tranh chung sẽ tốt hơn nếu mỗi cá nhân tự hoàn thiện công việc của chính mình lên một tầm mức hoàn hảo hơn.

Thứ hai, Kaizen dành cho mọi thành viên trong công ty chứ không chỉ cho những nhà quản lý và chuyên gia cao cấp. Thậm chí ở Nghi Sơn, các nhà quản lý không được tham gia vào hệ thống Kaizen. Đây là đặc trưng quan trọng bởi vẫn tồn tại một lối suy nghĩ cũ rằng: cải tiến là công việc của nhà quản trị, nhân viên chỉ là những con ốc trong guồng máy thực thi.

Người Nhật có tư duy khác: chỉ những người làm trực tiếp, ở “tuyến đầu” mới biết rõ nhất nên làm gì để tình hình được cải thiện. Vì thế, mô hình Kaizen khuyến khích sự tham gia tối đa. Gần như mọi ý kiến tham gia của các nhân viên cấp thấp nhất cũng đều được ghi nhận và tưởng thưởng.

Thứ ba, phần thưởng tiền bạc không phải là yếu tố quyết định. Phần thưởng chỉ có ý nghĩa tượng trưng, ghi nhận sự đóng góp thay vì coi đó như một động lực chủ yếu. Với trường hợp Nghi Sơn, tiền thưởng cho sáng kiến loại A mới chỉ ở mức 1 triệu đồng và cho loại D là 50 nghìn đồng. Đây đều là những con số không cao theo quan niệm thông thường, nhưng lại rất hợp lý với các doanh nghiệp Nhật áp dụng Kaizen.

Ở các doanh nghiệp Kaizen, tổng số tiền thưởng dành cho những đề xuất ở mức độ thấp còn cao hơn nhiều so với những đề xuất ở mức độ cao. Thậm chí, những đề xuất không tạo ra một hiệu quả nào đáng kể cũng vẫn được ghi thưởng. Ví dụ, Nghi Sơn quy định rõ những đề xuất xếp loại D là “không tạo ra lợi nhuận và hiệu quả rõ rệt, tính sáng tạo và nỗ lực chỉ ở mức đáng ghi nhận.” Những đề xuất loại đó vẫn được thưởng và trân trọng. Điều này trái với mô hình quản trị phương Tây khi ngay lập tức các ý tưởng như thế bị ném vào thùng rác.

“Công ty đã tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc này, thể hiện ở khả năng tập trung cải tiến và quản trị chất lượng, hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng, gia tăng lợi ích sản phẩm để tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng”, đại diện liên doanh xi măng Nghi Sơn cho biết.

Vietq
Nguồn tin: Vietq (tdkhiem)