Khánh thành nhà máy xử lý nước thải làng nghề sử dụng công nghệ sinh học và năng lượng mặt trời

UBND TP Hà Nội tổ chức khánh thành nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, đặt tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Tới dự, có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đ/c Ủy viên T.Ư Đảng: Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Hoài Đức là huyện tập trung nhiều làng nghề truyền thống, phát thải lưu lượng nước thải lớn có nồng độ ô nhiễm cao, thường đổ ra sông Nhuệ. Đặc biệt là các làng nghề tại khu vực 3 xã Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai sản xuất miến, bún làm từ nguyên liệu sắn, dong.

Nhà máy xử lý rác thải có công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với các dây chuyền thiết bị tự động hóa hoàn toàn được nhập khẩu từ châu Âu. Đây cũng là công trình sử dụng thiết bị pin năng lượng mặt trời để phát điện phục vụ cho hoạt động của nhà máy ở quy mô lớn đầu tiên của thành phố Hà Nội. Dự án này được khởi công xây dựng từ tháng 12/2015, sau 10 tháng khẩn trương thi công đã hoàn thành công trình xử lý nước thải hiện đại, đồng bộ, khép kín không phát thải mùi thứ cấp, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn Thủ đô QCTĐHN 02:2014/BTNMT. Dự án sẽ thu gom và xử lý nước thải khu vực làng nghề Cầu Ngà, mang lại lợi ích về sức khỏe cho người dân địa phương nói riêng và người dân Thủ đô nói chung; Giảm tải trọng chất ô nhiễm ở vùng hạ lưu, trong đó có lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền cho biết: Đây cũng là nhà máy đầu tiên xử lý nước thải làng nghề được đầu tư theo phương thức xã hội hóa.

Nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng nhà máy và được trả kinh phí trên cơ sở m3 nước thải đã xử lý đạt tiêu chuẩn. Với phương thức này, nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư ban đầu. Trong lĩnh vực xử lý nước thải làng nghề thì đây là nhà máy có công suất lớn nhất cả nước.

Toàn cảnh Nhà máy xử lý nước nước thải làng nghề Cầu Ngà

Đây cũng là nhà máy xử lý nước thải đầu tiên hoàn thành thuộc lưu vực sông Nhuệ-Đáy, nhà đầu tư đã áp dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại là công nghệ SBR cải tiến. Ưu điểm của công nghệ này là diện tích chiếm đất rất ít, nhà máy công suất 20.000 m3/ngày đêm nhưng chỉ cần 1 ha đất bao gồm cả khoảng cách ly an toàn môi trường; chi phí đầu tư và vận hành thấp; lượng bùn thải phát sinh ít. Nước thải thu gom về đều được xử lý triệt để ngay nên không phát sinh mùi hôi. Nhà máy cũng áp dụng công nghệ phân bùn bể phốt, khử trùng bằng Clo đảm bảo vệ sinh môi trường. Công nghệ này đã được nhà đầu tư áp dụng cho hơn 30 công trình trên cả nước.

Phát biểu tại Lễ Khánh thành, Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: “Việc Khánh thành Dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức thể hiện sự quyết tâm của Thành phố trong việc cải thiện môi trường sống cho nhân dân Thủ đô, nhân dân khu vực xung quanh các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, dần làm trong sạch lại các con sông và một phần sông Nhuệ - sông Đáy, tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững của Hà Nội. Trên cơ sở kết quả, hiệu quả đầu tư dự án xã hội hóa trong xử lý nước thải làng nghề, UBND Thành phố sẽ xem xét nhân rộng mô hình đầu tư tại các khu vực làng nghề trên toàn địa bàn Thành phố”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây là dự án lớn và sử dụng công nghệ hiện đại trong việc xử lý nước thải ở Việt Nam. Việc đưa nhà máy vào hoạt động góp phần tích cực trong xử lý ô nhiễm, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang báo động tình trạng ô nhiễm không khí, chất thải, nước thải. hời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong áp dụng các mô hình, đưa công nghệ tiên tiến áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ nhà máy này sẽ làm mô hình điểm cho các địa phương, doanh nghiệp khác tham quan học hỏi.

NASATI
Nguồn tin: Cục Thông tin KH&CN QG